“Tôi không đồng ý với hành vi xúc phạm, bạo hành học sinh, nhưng tiêu chí nào để đánh giá, thế nào là o ép, thế nào là xúc phạm, mức độ nào thì xử lý"?
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý. Văn bản này sau khi hoàn thiện, sẽ được thông qua thay thế Nghị định 138 năm 2013. Đáng chú ý, trong dự thảo có nội dung, hành vi ép học sinh học thêm, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt từ 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học phạt từ 20-30 triệu đồng. Đi kèm với mức phạt này, giáo viên phải xin lỗi công khai và có thể bị đình chỉ từ 1-6 tháng.
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
PV: Bà có bình luận gì về đề xuất phạt tiền giáo viên khi ép học sinh học thêm, xúc phạm danh dự, thân thể học sinh được Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố mới đây?
Bà Bùi Thị An: Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thật kỹ phương án phạt tiền các giáo viên dạy thêm. Thay vào đó, nên có các biện pháp quản lý chặt giáo viên các trường. Nhiệm vụ này giao cho từng trường, từng phòng, Sở GD-ĐT. Còn đưa vào luật thì hơi khó khả thi. Thế nào là o ép, thế nào là không o ép, có tiêu chí nào để xác định?
Về chuyện phạt tiền giáo viên mắng, xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học sinh, tôi thấy cần thiết. Những hành vi không tốt của giáo viên với học sinh là không thể chấp nhận. Đặc biệt, thời gian gần đây thường có các vụ việc giáo viên có hành vi phản cảm với học sinh. Việc này cần có chế tài xử lý.
Việc đánh, mắng học sinh không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của 1 học sinh mà còn có thể tạo ra tâm lý chán chường với nhiều học sinh khác. Tôi đồng ý phạt tiền đồng thời có những hình thức xử phạt rất nghiêm minh.
Tuy nhiên, giáo dục là ngành đặc thù, sản phẩm tạo ra là con người, những thế hệ tương lai, nên cũng cần phải cân nhắc rất kỹ. Nếu xử phạt thì vi phạm ở mức độ nào sẽ phạt, cần phân biệt thế nào là răn đe, thế nào là xúc phạm? Vi phạm với tần suất bao nhiêu thì sẽ xử lý? Những nội dung này trong dự thảo tôi thấy vẫn còn khá trừu tượng và chưa thực sự rõ ràng. Nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ làm giáo viên nhụt chí, không dám dạy dỗ học sinh.
Thực tế hiện nay có những giáo viên tâm huyết, gắn bó cả đời với nghề, chuyên môn vững vàng. Nhưng có thể vì một khoảnh khắc nào đó bộc phát trong giờ học, học sinh hư, không thể kiềm chế cảm xúc nên mới nói nặng lời, hay phạt học trò thì sẽ xử lý thế nào? Trong khi cả quá trình công tác của họ rất tốt.
Với những giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo họ đã cống hiến và hy sinh rất nhiều vì học sinh thân yêu. Nhưng đôi khi có thể có những lúc mất bình tĩnh mà lỡ lời với học trò thì xử lý ra sao? Khi xử lý giáo viên vi phạm cũng cần đánh giá đúng công sức của họ để tránh cảm giác dù các thầy cô rất tận tâm mà vẫn bị phạt nặng…
Tóm lại Bộ cần đưa thêm những tiêu chí đánh giá cụ thể, công tâm, trách cách đánh giá cảm tính.
PV: Nếu dự thảo Nghị định được đưa vào áp dụng chính thức, theo bà nên quy định mức phạt như thế nào, ai là người giám sát và thực thi việc xử lý này?
Bà Bùi Thị An: Tôi cho rằng việc xử phạt đã không cụ thể, không có tiêu chí để phạt. Xử phạt phải đúng ngưỡng, chế tài phải nghiêm minh, nhưng ở đây quá thiếu các tiêu chí thực tế nên không biết phải đánh giá thế nào.
Thầy cô là "giáo cụ" trực quan sống của học sinh, nếu như làm không đúng, rất dễ làm mất hình ảnh với các em.
Riêng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét lại việc này.
Nếu đưa vào áp dụng, những người đánh giá các thầy cô cũng phải là những người rất chuẩn, rất công minh nên tôi mới kiến nghị Bộ GD-ĐT hãy chọn những hiệu trưởng có tâm, có tầm, tất cả vì học sinh thân yêu. Nếu như vậy, việc đánh giá sẽ chuẩn hơn. Nếu người đánh giá không công tâm, khách quan thì sẽ rất khó. Tôi lấy ví dụ, thế nào được gọi là o ép, thế nào là không. Trong trường hợp này chỉ có hiệu trưởng mới hiểu, với chương trình như vậy, bài nào đã dạy đủ, bài nào chưa, giáo viên nào đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Tôi nghĩ rằng điều này chỉ có hiệu trưởng mới có thể hiểu được.
Rất nhiều, đồng chí đưa ra cô này o ép học sinh, thầy kia khó tính, nhưng ngành sư phạm có những đặc thù rất riêng. Sản phẩm của họ là con người, nếu không đúng, sẽ gây ra hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới tất cả mọi người.
PV: Nhiều ý kiến đang lo ngại rằng dự thảo Nghị định này nếu được đưa vào áp dụng sẽ tạo áp lực cho giáo viên, cũng như tạo ra khoảng cách giữa thầy và trò, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Bà Bùi Thị An: Mục đích của Bộ GD-ĐT khi đưa ra vấn đề này rất tốt, muốn triệt tiêu những vấn nạn mà xã hội đang gặp phải thời gian qua. Phụ huynh phản ánh là học thêm quá nhiều, nhưng giải pháp tối ưu là cần quay lại xem vấn đề chương trình học thế nào, quản lý giáo viên, chất lượng đào tạo sư phạm ra sao. Có rất nhiều hiệu trưởng từ cấp mẫu giáo đến đại học đều rất tuyệt vời, được học sinh, phụ huynh yêu quý. Nhưng nếu không chọn được 1 hệ thống hiệu trưởng tốt thì tất cả những điều này đều không có ý nghĩa. Tôi kiến nghị các đồng chí cần xem lại việc áp dụng chuyện phạt với với những người làm trong ngành giáo dục, cần thay bằng những giải pháp khác tối ưu hơn nhiều để giáo viên tốt hơn, để môi trường giáo dục trong mắt học sinh thật tốt đẹp, chứ không phải để học sinh nhìn các thầy cô như người có lỗi.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
"Tôi cho rằng, chúng ta cần loại bỏ khỏi ngành giáo dục những người vi phạm nghiêm trọng, bạo hành học sinh như một số trường hợp đã xảy ra thời gian qua.
Phải xây dựng đạo đức nghề nghiệp và đào tạo chuyên môn tốt cho đội ngũ giáo viên. Sự truyền lửa, mức độ ảnh hưởng của giáo viên tới học sinh vô cùng quan trọng, thậm chí hơn cả gia đình.
Ngành giáo dục cần có cơ chế cụ thể, đặc thù để các thầy cô có thể tập trung 100% sức lực. Chế độ lương bổng, đãi ngộ cũng cần quan tâm đặc biệt, cần có chế độ đặc thù cho các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa; cần những cơ chế riêng với ngành sư phạm nếu không sẽ làm mất những giáo viên dạy giỏi" - Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN