Với thủ đoạn lợi dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Whatsapp…, các đối tượng tội phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi với số lượng và giá trị lớn.
Một nạn nhân đến trình báo bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook.
Mặc dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao cảnh giác cho người dân, tuy nhiên, do nhẹ dạ và hám lợi nên một số người vẫn bị mắc bẫy các đối tượng này. Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, liên tiếp xảy ra sự vụ các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook lừa đảo, chiếm đoạt gần ba tỷ đồng của bốn phụ nữ tại TP Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên và huyện Vân Đồn.
Đầu tháng 6-2018, một tài khoản tên “James Jerry” kết bạn, làm quen với chị Trần Thị Nhung (*), trú tại TP Cẩm Phả qua mạng xã hội Facebook. Đối tượng này cho biết mình sinh năm 1970, hiện đang sống tại Vương quốc Anh và làm việc tại Công ty Dầu khí Victoria. Một tháng sau, James Jerry nói muốn tặng chị Nhung trang sức và 500 nghìn USD. Từ ngày 15-7 đến 20-8, có một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển hàng gọi điện cho thông báo về món hàng gửi qua đường hàng không từ Anh, nếu muốn nhận, chị Nhung phải nộp nhiều khoản phí khác nhau. Do tin tưởng James Jerry, chị Nhung đã ba lần chuyển tổng số 517 triệu đồng vào tài khoản khác nhau của các chi nhánh ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cho đối tượng trên. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng tắt máy, khóa tài khoản Facebook.
Cũng với hình thức trên, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Trần Thị Quỳnh Hương (*), trú tại huyện Vân Đồn số tiền 716 triệu đồng. Theo đơn trình báo của nạn nhân, khoảng tháng 8 năm 2018 có quen một người có tên tài khoản là Jonhson Alexan Dre Chizitere qua Facebook. Ngày 10-9, Jonhson nói gửi đồ quần áo, huy chương, vàng, đồng hồ về Việt Nam nhờ chị Hương giữ hộ và ngày 11-9 hàng sẽ về đến nơi. Đúng hẹn, sáng hôm đó, một người đàn ông giới thiệu tên Đinh Lê Hoàng Khương gọi điện thoại di động nói hàng đã chuyển về TP Hồ Chí Minh yêu cầu chị Hương chuyển 17,5 triệu đồng để thanh toán tiền cước. Sau khi gửi tiền, đến trưa hôm đó, Khương nói kiểm tra hàng phát hiện có 1,5 triệu USD nhưng không khai báo nên phải nộp phạt 88 triệu đồng. Chị Hương có hỏi Jonhson về việc này và tin tưởng nên đã chuyển số tiền trên cho Khương qua số tài khoản chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội. Liên tiếp trong buổi chiều ngày hôm đó và sáng 12-9, Khương viện ra nhiều lý do như hàng trốn thuế, bảo đảm vận chuyển an toàn, thanh toán tiền thuế và yêu cầu chị Hương tiếp tục chuyển tiền. Sau khi nhận được ba lần với tổng số tiền 611 triệu đồng, trưa 12-9, Khương tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 600 triệu đồng để làm thủ tục thuế qua Hà Nội. Do chị Hương không còn tiền nên đối tượng này nói sẽ làm thủ tục giảm 50% thuế và bảo chị sớm nộp số tiền trên để hoàn thiện. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị Hương đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Cùng với hai nạn nhân trên, chị Nguyễn Thị Trang (*), trú TP Cẩm Phả và Nguyễn Thị Nguyệt, trú thị xã Quảng Yên bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, các đối tượng thường tạo tài khoản mạng xã hội, với vai người nước ngoài, sống độc thân, có việc làm thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế dư để làm quen, kết bạn với nạn nhân. Sau thời gian tạo được lòng tin, đối tượng đề nghị tặng, gửi các món quà có giá trị như laptop, dây chuyền, trang sức, máy tính bảng, ngoại tệ hoặc đề nghị gửi tiền cho nạn nhân để làm từ thiện. Khi “con mồi” đồng ý, nhóm đối tượng ở Việt Nam sẽ vào vai cán bộ hàng không, hải quan hoặc nhân viên an ninh sân bay, nhân viên công ty chuyển phát nhanh gọi điện và đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân nộp phí thông quan, nộp phạt vì trong gói quà có nhiều USD, thuê luật sư chứng minh gói hàng là hợp pháp… và được chuyển vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp.
Cơ quan chức năng điều tra hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.
Trung tá Bùi Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết: So trước đây, hình thức, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi hơn. Chúng thường sử dụng sim “rác” để thực hiện các cuộc gọi, đồng thời thuê sinh viên, những người lao động tự do để mở tài khoản tại nhiều ngân hàng. Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, chúng nhanh chóng chuyển, rút tiền lòng vòng qua nhiều ngân hàng khác nhau, gây khó khăn cho việc phong tỏa tài khoản.
Ngoài ra, nhiều đối tượng còn sử dụng thủ đoạn giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân, thông báo khách hàng có giao dịch, chuyển tiền vào tài khoản, nhưng giao dịch bị treo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu dịch vụ internet banking và mã OTP để nhận tiền. Sau đó, đối tượng sử dụng chính những thông tin bị hại cung cấp để thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản của họ. Thậm chí, có đối tượng tìm cách thâm nhập vào hệ thống email của doanh nghiệp để nắm bắt, tìm hiểu các thông tin về hợp đồng, tài khoản chuyển tiền… sau đó chúng tạo, sử dụng các email giả giống email của đối tác rồi gửi đến doanh nghiệp và yêu cầu chuyển tiền sang tài khoản thụ hưởng khác. Vì email giống và các thông tin trong hợp đồng trùng khớp, nên doanh nghiệp không kiểm tra đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp, nên bị chiếm đoạt.
Một thủ đoạn hiện nay cũng rất phổ biến đó là đối tượng luôn sử dụng điện thoại gắn sim rác, gọi, xưng danh là cán bộ thuộc lực lượng công an (cảnh sát kinh tế, hình sự, ma túy…) thông báo số tiền mà nạn nhân có trong tài khoản của ngân hàng liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền hoặc do hành vi vi phạm pháp luật mà có… Vì thế, nhằm bảo đảm an toàn, nạn nhân cần tạm thời chuyển ngay số tiền này vào tài khoản của “cơ quan điều tra” (do đối tượng cung cấp) để thẩm tra, xác minh, nếu xác định không liên quan đơn vị sẽ chuyển trả lại, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giữ, xử lý ngay. Nhận được thông tin như vậy, nhiều khi do quá hoảng loạn, lo sợ nên nạn nhân đã lập tức chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp và bị đối tượng chiếm đoạt.
Manh động hơn là đã xuất hiện một số nhóm đối tượng có quốc tịch nước ngoài nhập cảnh Việt Nam dưới hình thức du lịch, thuê taxi tiếp cận máy ATM cài đặt thiết bị công nghệ cao, đánh cắp thông tin, mật khẩu thẻ của khách hàng. Sau đó, sao chép thông tin đánh cắp được vào thẻ giả để rút, chiếm đoạt tiền tại máy ATM vào thời điểm người bị hại ít để ý tin nhắn do ngân hàng thông báo tài khoản có giao dịch.
Nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng và sử dụng công nghệ cao như hiện nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị chính quyền các địa phương và tổ chức, đoàn thể đến tổ dân phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cảnh giác trước những thủ đoạn sử dụng công nghệ thông tin qua các trang mạng của bọn tội phạm để lừa đảo.
Cùng với đó, các ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan chức năng, kịp thời phong tỏa những tài khoản có dấu hiệu khả nghi trước khi chúng tẩu tán.
Đồng thời, mỗi người dân phải hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội. Nếu phát hiện thấy hành vi không bình thường nhanh chóng báo tin cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội.
* Tên nạn nhân đã được thay đổi
Theo QUANG THỌ/nhandan.com.vn