Tại nhiều khu dân cư, bãi biển của Đà Nẵng, tình trạng rác thải nhựa, túi nilon được vứt bỏ khắp nơi gây nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới người dân.
Với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, nhiều năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp để thu gom rác thải, xử lý những điểm nóng ô nhiễm kéo dài. Thế nhưng, tại nhiều khu dân cư, bãi biển, tình trạng rác thải nhựa, túi nilon...vứt bỏ khắp nơi gây nhiễm môi trường.
Ô nhiễm môi trường tại cả cá Thọ Quang
Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng là nơi neo đậu tàu thuyền và cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung lâu nay luôn nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Bình quân mỗi ngày, hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào neo đậu, những ngày mưa bão lên hơn cả ngàn phương tiện. Cùng với đó, hàng nghìn lao động, người buôn bán, dịch vụ nghề cá hoạt động tại đây.
Nguồn thải từ Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang, từ chợ cá và phương tiện đánh bắt đã biến âu thuyền Thọ Quang thành nơi chứa rác thải. Các loại chai nhựa, túi ni lông, thùng xốp, hộp đựng thức ăn, cả những ngư cụ hỏng... đều xả bừa bãi xuống đây, dày đặc âu thuyền Thọ Quang.
Ông Nguyễn Văn Công ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nhà ở gần âu thuyền Thọ Quang rất bức xúc vì phải sống chung với ô nhiễm nhiều năm nay. Mỗi lần trở trời, mùi hôi thối từ âu thuyền bốc lên xộc thẳng vào nhà. Trời nắng, gió to, bao ni lông, hộp xốp đựng thức ăn bay tung tóe trên đường phố và khu dân cư, gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Công than thở: “Vỏ chai này do dân đi biển họ vứt xuống, bao bì gì họ cũng vứt xuống. Có một số dân không có ý thức quăng xuống, một số người đưa rác trong dân cư đưa ra, quăng đây luôn. Bao ni lông, chai nhựa, rác rến rác trên nhà họ đưa xuống nữa, không có ai đi vớt hết”.
Rác thải tràn ngập âu thuyền Thọ Quang
Mỗi ngày, thành phố Đà Nẵng thu gom khoảng 1000 tấn rác thải, trong đó 8% đến 10% là túi ni lông và chai nhựa. Các loại chai nhựa có thể thu gom phân loại để tái chế còn lại túi ni lông chủ yếu chôn lấp, khó phân hủy.
Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng cho biết, nhiều năm nay, chính quyền thành phố nghiêm cấm người dân, du khách đem thức ăn xuống bãi biển, từ đó hạn chế túi ni lông, chai nhựa xả tràn ra bãi biển. Đáng lo ngại là, hầu hết nguồn thải từ nước mưa đều xả ra biển, sông hoặc ao hồ.
Ở một số bãi biển du lịch như Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, các cống xả có sử dụng lưới ngăn rác, còn lại là cống hở. Cứ sau mỗi trận mưa, một lượng lớn rác thải theo đường cống thoát tràn ra bờ biển.
Theo ông Trần Văn Tiên, mỗi lần mưa lớn, bãi biển tràn ngập rác thải: “Hiện nay, vẫn còn tình trạng đến mùa mưa, tại cống thoát nước thải ra mang theo rác ni lông tràn ra bãi biển. Thực ra, chúng ta mới làm phần ngọn, chứ mong muốn làm sao nếu cộng đồng dân cư ở trên nguồn hệ thống thoát nước không vứt rác, bao ni lông xuống cống thoát nước thì chẳng có ni lông trôi ra biển được”.
Với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, thời gian qua Đà Nẵng thực hiện nhiều giải pháp thu gom xử rác thải, khắc phục những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Sở Công thương thành phố phát động “nói không với túi ni lông”; vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương các chợ hạn chế sử dụng túi nilông.
UBND quận Thanh Khê cũng triển khai thí điểm sử dụng túi ni lông sinh học tự hủy thân thiện với môi trường tại một số chợ. Thế nhưng, giá của túi ni lông sinh học tự hủy khá cao nên người dân quay lại sử dụng túi nilông thông thường.
Hai năm qua, thành phố Đà Nẵng cũng triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nhà ở 2 phường Thuận Phước và Thạch Thang, quận Hải Châu. Tại mỗi tổ dân phố, khu dân cư đều được đặt thùng xe rác di động thu gom vỏ chai nhựa, lon bia, bìa giấy sách báo... để bán phế liệu gây quỹ từ thiện.
Cống xả thải ra biển mang theo rác ni lông, hộp nhựa
Cách làm này góp phần giảm gánh nặng xử lý rác thải. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu, lo ngại nhất hiện nay là tình trạng ô nhiễm túi ni lông. Năm 2017, UBND phường Thuận Phước phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phân loại rác thải tại khu dân cư. Thế nhưng, người dân vẫn chưa thể bỏ thói quen sử dụng túi ni lông.
“UBND phường đã tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilông và tặng giỏ để đi chợ. Tuy nhiên, ý thức của người dân, người đi chợ thì ưa thuận tiện, cứ gói nhiều gói. Để làm triệt để, điều quan trọng các chợ vào cuộc quán triệt tiểu thương không được sử dụng túi ni lông, hoặc cơ sở sản xuất sản xuất được túi nilông tự phân hủy bán giá rẻ thì chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng. Chứ tuyên truyền người dân cũng rất khó mà người bán họ không có cái gì để gói”, bà Lê Thị Hà nói.
Để hạn chế ô nhiễm “trắng", theo ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng thì các cơ sở sản xuất ra vỏ chai, túi nilông, hộp xốp đựng thức ăn phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Chính quyền địa phương nên tích cực vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương… cắt giảm sử dụng túi nhựa, giảm thiểu việc đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông. Đặc biệt là phải có sản phẩm thay thế để thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân. Ngoài ra, thành phố cần có những chính sách hợp lý cho việc tái chế và giải pháp công nghệ mới.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom xử lý rác thải; triển khai nhanh Dự án xử lý chất thải rắn.
Hiện nay, công tác thu gom chỉ mới duy nhất công ty môi trường đô thị tham gia chưa thể xã hội hóa trong thu gom. Đây là điểm yếu của Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.
Với mục tiêu, Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố môi trường, thời gian đến nâng cao ý thức cộng đồng thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường và thói quen. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom. Sở đang hướng đến xây dựng khu liên hợp chất thải rắn xử lý triệt để không gây ô nhiễm./.
Theo Đình Thiệu/VOV.VN