Sau ba năm thành lập, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) (Bộ Khoa học và Công nghệ) đang có những bước đi đầu tiên để thực hiện nhiệm vụ của viện nghiên cứu hàng đầu về cung cấp công nghệ, giải pháp cho các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Đó là tuyển dụng các nhà nghiên cứu tài năng, hình thành các nhóm nghiên cứu, trưởng phòng thí nghiệm và chuẩn bị triển khai các dự án do các doanh nghiệp đặt hàng.
Các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc khảo sát nhu cầu công nghệ tại doanh nghiệp, phục vụ cho VKIST.Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Khác với các viện nghiên cứu công lập trong nước, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc được thành lập từ dự án viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc dành cho Việt Nam, hoạt động theo mô hình hiện đại của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), trong đó nổi bật là nghiên cứu theo hợp đồng đặt hàng và cơ chế tự chủ, bảo đảm điều kiện sống, môi trường nghiên cứu cho nhà khoa học yên tâm làm việc. TS Cưm Đông Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc được mời làm Viện trưởng, đã đề ra định hướng chỉ tập trung phát triển những công nghệ mà khối công nghiệp cần, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Yếu tố quyết định thành công là xây dựng đội ngũ nhà nghiên cứu tài năng, do đó Viện đang tuyển dụng vị trí trưởng phòng thí nghiệm, đứng đầu nhóm nghiên cứu, chịu trách nhiệm xây dựng phòng thí nghiệm và tuyển dụng nhóm làm việc với mình. Những vị trí này đòi hỏi ít nhất có 10 năm kinh nghiệm công tác nghiên cứu và phát triển kể từ thời điểm có bằng tiến sĩ.
Bà Trần Thị Thúy, Phụ trách khối hành chính của Viện cho biết, đối tượng tuyển dụng là nhà khoa học, kỹ sư người Việt Nam, những cá nhân xuất sắc, phù hợp dù ở trong nước hay nước ngoài, Viện trưởng sẽ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi mời về làm việc. Viện cam kết bảo đảm môi trường làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, như: Trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại, thường xuyên giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới để mở rộng tầm nhìn, hướng đến chuỗi giá trị toàn cầu; có sự hỗ trợ tuyệt đối từ khối hành chính để nhà khoa học, kỹ sư tập trung làm việc chuyên môn.
Lâu nay, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng là rào cản khiến các viện nghiên cứu chưa thu hút, giữ chân được nhà nghiên cứu tài năng. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có mức đãi ngộ khá cạnh tranh, hấp dẫn. TS Cưm Đông Hoa cho biết, hằng tháng nhà khoa học, kỹ sư được trả ít nhất ba lần lương theo mức lương cơ bản của từng chức danh, ngoài ra, có doanh thu từ các dự án nghiên cứu. Mức thu nhập đã được tổ tư vấn tuyển dụng từ các cơ quan như: Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã tư vấn. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, dù có mức thu nhập hấp dẫn nhưng Viện vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, vì các viện nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân hiện trả lương khá cao và gần đây, nhiều nhà khoa học đã rời viện nghiên cứu công lập “đầu quân” ổn định cho các tập đoàn, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Viện trưởng Cưm Đông Hoa lạc quan cho rằng, so với mức thu nhập ở nước ngoài có thể không cao, nhưng bù lại nhà khoa học được làm việc ổn định tại viện nghiên cứu công lập, có môi trường làm việc hiện đại, thân thiện, nhiều cơ hội để phát triển các lĩnh vực nghiên cứu riêng. Những nhà khoa học có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước chắc chắn sẽ góp sức tại Viện. Được biết, đến nay, đã có 20 hồ sơ dự tuyển, trong đó có cả nhà khoa học ở nước ngoài.
Bước đầu, hai lĩnh vực hoạt động chủ đạo của Viện là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. Năm 2019, mở màn nghiên cứu là dự án hợp tác nghiên cứu dược liệu với Công ty Cổ phần Traphaco và trí tuệ nhân tạo với Đại học Quốc gia Hà Nội. Chia sẻ quá trình hợp tác, ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, công ty đề nghị Viện nghiên cứu các chất của một số loài dược liệu, nhưng trên cơ sở tính ứng dụng thực tiễn, hai bên quyết định chọn nghiên cứu thành phần hóa học của tám loài đinh lăng đang được trồng ở Việt Nam, trong thời gian khoảng ba năm. Lâu nay, Traphaco mới chỉ sử dụng rễ của một loại cây đinh lăng làm thuốc. Trên cơ sở trang thiết bị hiện đại, chuyên gia giỏi của Viện, công ty muốn có kết quả nghiên cứu về những loài còn lại, các bộ phận khác của cây đinh lăng có sử dụng làm thuốc được hay không, từ đó có kế hoạch phát triển nguyên liệu làm thuốc và cây dược liệu chủ lực của quốc gia.
Theo ý kiến một số nhà khoa học, mô hình nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Viện rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ do thủ tục nghiên cứu không thông qua quy trình xét tuyển, đấu thầu, bố trí ngân sách. Điều này đã được chứng minh hiệu quả ở Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, có sản phẩm ra đời chỉ sau vài tháng đặt hàng. Trước mắt, khi Viện chưa có uy tín đối với doanh nghiệp có thể sẽ chưa có nhiều đơn đặt hàng, nhưng khi sản phẩm ra đời và chứng minh có đội ngũ nghiên cứu mạnh, đủ năng lực giải quyết các nhu cầu công nghệ thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đến. Bên cạnh đó, Viện cũng cần tiếp thị đến các doanh nghiệp, nhất là hệ thống doanh nghiệp phụ trợ, các công ty nước ngoài ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó sẽ lan tỏa tới các doanh nghiệp khác. Viện trưởng Cưm Đông Hoa mong muốn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ cho Viện để tạo môi trường nghiên cứu tốt hơn.
Theo Thanh Quý/nhandan.com.vn