Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 29-10 về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu đã đánh giá cao thành tích mà Chính phủ đạt được trong thu ngân sách năm 2018, tuy nhiên, một số đại biểu vẫn chưa yên tâm với vấn đề cân đối ngân sách nhà nước ở tầm trung và dài hạn.
Đại biểu tại tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chiều 29-10
Thu ngân sách vượt 3% so với kế hoạch
“Về tổng thể sự lo lắng của chúng ta về vấn đề cân đối ngân sách nhà nước cho đến nay đã không còn lớn như vài năm trước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói. Đại biểu dẫn chứng: Tỷ lệ thâm hụt ngân sách không còn vượt dự toán như trước đây, tỷ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần, kỳ hạn vay nợ dài hạn hơn và lãi suất cũng thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cũng cao hơn.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, những kết quả này đạt được có công rất lớn của Chính phủ trong những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống đô-la hóa, từ đó ổn định lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư khi nắm giữ các tài sản bằng tiền Việt Nam và đặc biệt là trái phiếu dài hạn của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá cao thành tích mà Chính phủ đạt được trong thu ngân sách năm 2018, vượt 40 nghìn tỷ đồng và vượt 3% so với kế hoạch. Ông nêu rõ có bốn khoản thu đều vượt dự toán, công tác thu, chống thất thu ngành thuế, hải quan đều tích cực nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Đại biểu gọi đây là những “điểm sáng”.
Về chi ngân sách, theo đại biểu của Lạng Sơn, công tác này đã bảo đảm sự ổn định, chi theo các nhiệm vụ, chi cả thường xuyên, đột xuất và kế hoạch trung hạn đặt ra để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, an sinh quốc phòng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương.
“Điều đáng nói là tỷ lệ chi đầu tư phát triển đã có sự cải thiện, ước đạt hơn 26,7% so với 25% của năm 2017”, ông nhấn mạnh.
Cân đối ngân sách vẫn còn khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, vấn đề cân đối ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, ở tầm trung và dài hạn, vẫn chưa thể thực sự yên tâm với vấn đề cân đối ngân sách nhà nước. Ông chỉ rõ: “Nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu ổn định, không đạt được dự toán, thậm chí sụt giảm, trong khi đó thì tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng ngân sách vẫn luôn ở mức cao, trên 60% và chưa có chuyển biến gì theo chiều hướng tích cực trong suốt nhiều năm qua, dẫn tới thu ngân sách nhà nước về cơ bản mới chỉ đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ”.
Theo đại biểu của Thái Bình, cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, bán tài nguyên, bán tài sản nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu một lần và thiếu tính bền vững, với tình trạng ngân sách vẫn còn khó khăn như vậy.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng tỏ ý lo ngại về việc nguồn thu chưa chắc và bền vững, nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế còn chiếm tỷ trọng thấp. Đây là những vấn đề mà ông lưu ý Chính phủ cần điều chỉnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, cơ cấu chi ngân sách nhà nước hiện vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ chi thường xuyên còn cao, việc quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách chưa hiệu quả, đặc biệt là một số chính sách xã hội thiếu đồng bộ và hiệu quả chưa đạt mục tiêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, có khá nhiều nghịch lý đã và đang đặt ra khiến cho ngân sách nhà nước khó bền vững.
Đại biểu chỉ rõ: “Tốc độ tăng chi cân đối ngân sách nhà nước trung bình lớn hơn tốc độ tăng thu cân đối ngân sách nhà nước trung bình. Hay là tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn thu thường xuyên. Chi thường xuyên tăng trong lúc chi đầu tư giảm”.
Bà đề nghị Chính phủ cần làm rõ những tồn tại chính trong cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách do đâu? Tại sao những bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục và vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao?
Đại biểu Hoa cũng thẳng thắn chỉ rõ một nguyên nhân mà cử tri rất bức xúc, đó chính là sử dụng ngân sách một cách lãng phí.
“Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức chẳng hạn như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỷ niệm, lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh” - đại biểu nhấn mạnh.
Sau khi phân tích những mặt được và chưa được trong cân đối ngân sách, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị cho chính phủ.
“Tôi đề nghị nên sử dụng các khoản vượt thu ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm để giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ, không chỉ dùng để tiếp tục tăng chi như hiện nay”- đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Theo đại biểu, giải pháp căn cơ để đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn thì bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước về mức hợp lý, để từ đó có thể giảm được chi thường xuyên xuống còn khoảng dưới 50% theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ.
Theo LÊ HÀ - Ảnh: DUY LINH/nhandan.com.vn