Cập nhật: 01/11/2018 11:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo báo cáo xếp hạng Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế, tụt 1 bậc.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố có chủ đề "Đào tạo để cải cách", trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang 100. Trước đó, theo xếp hạng của WB, năm ngoái Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế, với số điểm 67,93 trên thang 100.

Báo cáo Doing Business 2019 của WB vẫn đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm: Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Nguồn: Cơ sở dữ liệu báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business 2019)

Đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam, WB đánh giá có những lĩnh vực có tiến bộ về cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Thành lập doanh nghiệp, Nộp thuế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133. Trong đó, xin giấy phép xây dựng được đánh giá cao nhất (xếp thứ 21), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (133).

Điểm đánh giá 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133.

Trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới – Singapore (số 2) và Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4). Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Malaysia cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15.

Với 6 cải cách, Malaysia đã giảm sự rườm rà trong cấp phép xây dựng bằng cách hợp lý hóa quy trình cấp phép, giúp thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn với việc áp dụng hệ thống đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ trực tuyến (GST). Malaysia cũng thực hiện cải cách ở những khu vực khác, bao gồm việc đưa vào sử dụng nền tảng một cửa trực tuyến giúp chuyển giao tài sản trở nên đơn giản hơn và giúp các công ty dễ dàng giải quyết các thủ tục phá sản.

Indonesia và Việt Nam đều thực hiện 3 cải cách trong năm qua. Tại Indonesia, các cải cách nhằm giảm bớt quy trình thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và cải thiện tiếp cận tín dụng. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.

Tại Phillippines, các nhà đầu tư thiểu số được bảo vệ bằng cách tăng quyền và vai trò của cổ đông trong các quyết định của công ty lớn và làm rõ cơ cấu sở hữu và kiểm soát. Trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, Phillippines đã đơn giản hóa quy trình đăng ký thuế và cấp giấy phép kinh doanh, nhưng tăng chi phí đăng ký thuế. Giao dịch qua biên giới được thực hiện khắt khe hơn bằng cách tăng số lượng kiểm duyệt nhập khẩu, do đó tăng thời gian trung bình đối với thủ tục qua biên giới.

Kể từ khi báo cáo Môi trường Kinh doanh bắt đầu vào năm 2003, thành lập doanh nghiệp là lĩnh vực cải cách phổ biến nhất ở Đông Á Thái Bình Dương. Kết quả là, thời gian trung bình để thành lập doanh nghiệp trong khu vực đã giảm gần một nửa, xuống còn 28 ngày so với 50 ngày năm 2003, và chi phí đã giảm đáng kể từ 59% thu nhập bình quân đầu người năm 2003 xuống 19% như hiện nay.

Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Theo thống kê, 190 quốc gia đã thực hiện kỷ lục 314 cải tổ giai đoạn tháng 6/2017 – 5/2018.

Báo cáo cũng chỉ ra cơ hội đào tạo cho người dùng và các hãng cung cấp dịch vụ có tác động tích cực đến điểm số của các quốc gia. Tương tự, tăng cường trao đổi thông tin giữa khu vực công và tư về các thay đổi hiến pháp cũng như quy trình pháp lý có ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra nhiều cải tổ hơn, giúp các chỉ số cải thiện hơn./.

Theo PV/VOV.VN

 

Tệp đính kèm