Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 18.000 USD vào năm 2045, quy mô GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD.
Đăng đàn phát biểu trước Quốc hội chiều nay (1/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua, đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 – 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
Thủ tướng nêu rõ: "Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng.
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD).
Theo đánh giá của Thủ tướng, khoảng cách thu nhập với các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 1990, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần.
"Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp", Thủ tướng lưu ý.
Bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều gam màu sáng. (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng yêu cầu phải nắm bắt kịp thời cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, tiếp cận công nghệ mới để vượt qua được ranh giới trình độ phát triển, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo.
"Việt Nam đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Tất cả những điều này đem đến khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN