Cập nhật: 03/11/2018 14:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nông sản bản địa đặc trưng, cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Thông qua các mô hình sản xuất nhóm, liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực đưa hàng nông sản bản địa ra thị trường.

Nông sản trong chuỗi cửa hàng của thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được giới thiệu đến người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Ðinh Thị Hường cho biết, là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, Sơn Hà được thiên nhiên ưu đãi khi có nhiều nông sản đặc trưng như gà re, ớt xiêm rừng, rau dớn, cá niên… Trước đây, nông sản bản địa chỉ được người dân nuôi trồng nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chủ yếu do chưa định hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Ðể đưa đặc sản địa phương ra thị trường, huyện chủ trương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để tiếp cận mạng lưới siêu thị. Huyện thành lập 20 nhóm hộ chăn nuôi, trồng trọt tại các xã Sơn Hạ, Sơn Trung, Sơn Thành, chuyên sản xuất các loại nông sản đặc trưng của đồng bào Hrê như gà kiến, ớt xiêm rừng, rau dớn, bắp chuối rừng.

Anh Lê Trường Hận, Tổ trưởng Tổ nuôi gà tập trung xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà cho biết, nhờ có chương trình hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản của UBND huyện, hệ thống siêu thị BigC Việt Nam về tận nơi thu mua. Việc tổ chức chăn nuôi đàn gà theo nhóm, mỗi hộ đều có trách nhiệm hơn, và nuôi tập trung đàn lớn mới đủ cung cấp cho hệ thống siêu thị BigC Việt Nam. Chỉ riêng nuôi gà, người nông dân thu nhập từ bốn đến năm triệu đồng/tháng. Chuỗi liên kết nuôi trồng, sản xuất, đóng gói theo quy chuẩn thực phẩm an toàn, chất lượng cao, thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên hệ thống siêu thị BigC Việt Nam. Bình quân mỗi tháng, Sơn Hà cung ứng cho hệ thống siêu thị BigC Việt Nam từ 500 kg đến 700 kg gà thịt, hàng tấn rau rừng, hoa chuối rừng và các loại sản vật khác. Năm 2018, nông sản bản địa miền núi Sơn Hà đã có mặt trong 18 siêu thị BigC từ Ðà Nẵng trở vào. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Ðinh Thị Hường khẳng định “Hàng nông sản bản địa của chúng tôi đã được phân phối, tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn. Sắp tới, huyện tiếp tục phát triển thêm nhiều nhóm hộ; quy hoạch, mở rộng diện tích trồng các giống cây, con bản địa chất lượng cao để cung ứng cho thị trường”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung, để xây dựng chuỗi giá trị cho hàng nông sản đặc trưng, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã giới thiệu 20 sản phẩm đặc trưng, khác biệt để lựa chọn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản bản địa. Ðể tránh làm theo phong trào, sản phẩm không có nơi tiêu thụ, những mặt hàng nông sản chất lượng cao, đặc trưng nhất được lựa chọn xây dựng thương hiệu và sản xuất quy mô lớn; tìm đối tác là hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng để cung ứng, tiếp cận thị trường trong tỉnh, khu vực và cả nước, cụ thể như nghệ vàng, nấm, chả cá, hành tím... Các mặt hàng nông sản cũng được giới thiệu tại các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ hàng tiêu dùng. Ðồng thời, liên kết tiêu thụ tại hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị trong nước, sắp tới, tham gia hội chợ giới thiệu nông sản tại Xin-ga-po.

Huyện miền núi Ba Tơ cũng đề ra mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế là thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng dựa vào lợi thế từng vùng, gắn với thị trường tiêu thụ; tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình cánh đồng lớn cho vùng nguyên liệu mía, tiêu, chuối... áp dụng khoa học, công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế, liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Bùi Nam Giang cho biết, huyện chủ động tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng như: sachi, mít, bơ, thơm, chuối nhằm khuyến khích người nông dân sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Về chăn nuôi, Ba Tơ chủ trương duy trì số lượng đàn trâu 28 nghìn con, tập trung nâng cao chất lượng và trọng lượng đàn bò, ổn định đàn lợn và gia cầm; bước đầu thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp thức ăn chăn nuôi và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Dương, để phát huy thế mạnh nông thôn, nông sản bản địa đặc trưng vùng miền, ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản, giúp hộ dân có thu nhập ổn định và ngày càng cao hơn. Các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Nghĩa Hành, Lý Sơn đang đi đầu trong nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản bản địa. Nhiều nông sản đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản bản địa của tỉnh Quảng Ngãi bước đầu tạo ra cú huých mới, thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương khi phát triển sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và đem lại giá trị kinh tế cao hơn, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn, miền núi.

Bài, ảnh: Thanh Tùng và Ðông Huyền

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm