Thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khoa học đã được chú trọng thương mại hóa nhằm ứng dụng vào phục vụ cuộc sống. Bên cạnh các điểm kết nối cung, cầu công nghệ, trung tâm triển khai công nghệ của các địa phương, bộ, ngành, có một điểm kết nối khá đặc biệt, dành riêng cho các nhà khoa học nữ, đó là Trung tâm ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp (Hội Nữ trí thức Việt Nam).
Ba nhà khoa học nữ giới thiệu các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Ảnh: KHÁNH TÂM
Sau hơn một năm hoạt động, Trung tâm ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đã kết nối thành công nhiều kết quả nghiên cứu tới doanh nghiệp. ThS Bá Thị Châm (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong các nhà khoa học nữ có nhiều kết quả nghiên cứu được trung tâm hỗ trợ chuyển giao cho doanh nghiệp. Trong buổi làm việc với chúng tôi, ThS Bá Thị Châm khá bận rộn với những cuộc điện thoại của doanh nghiệp gọi đến đề nghị tư vấn, hợp tác sản xuất sản phẩm. Việc tiếp xúc, đàm phán với doanh nghiệp đối với một nhà khoa học còn nhiều điều mới mẻ, nhưng đã dần giúp chị nhận thấy, quá trình nghiên cứu khoa học không thể thiếu sự hợp tác bền vững với doanh nghiệp. Chia sẻ về các kết quả nghiên cứu được trung tâm giới thiệu tới doanh nghiệp, ThS Bá Thị Châm cho biết, số lượng các đối tác tìm đến rất nhiều, ngoài doanh nghiệp còn có các cá nhân chuẩn bị khởi nghiệp. Ðến nay, chị đã hợp tác với bốn doanh nghiệp để đưa 13 loại sản phẩm là thực phẩm chức năng có được từ kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường. Ngoài ThS Bá Thị Châm, trung tâm đã kết nối thành công cho nhiều nhà khoa học nữ khác.
Giám đốc Trung tâm Lê Thị Khánh Vân cho biết, hiện nay trung tâm trưng bày, giới thiệu hơn 200 công nghệ, thiết bị và sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ. Trong đó, đáng chú ý là các sản phẩm thiết yếu với đời sống và sản xuất nông nghiệp sạch như: Vật liệu na-nô, công nghệ prô-tê-in và en-zam (enzyme) qua các sản phẩm men tiêu hóa; công nghệ vi sinh; công nghệ sinh - y học; công nghệ sinh học na-nô; công nghệ sinh học môi trường… Các sản phẩm đã được nghiệm thu và ứng dụng thành công; công nghệ và thiết bị đã hoàn thiện để sẵn sàng chuyển giao.
Ðược biết, hoạt động kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp của trung tâm khá hiệu quả, do lãnh đạo trung tâm nắm được chuyên môn sâu của từng nhà khoa học, khi có yêu cầu từ doanh nghiệp, sẽ giới thiệu được nhanh, chính xác nhà khoa học có lĩnh vực liên quan để tư vấn, hợp tác. Bà Lê Thị Khánh Vân cho rằng, nghiên cứu của nhà khoa học nữ thường tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, gần gũi cuộc sống, nhưng chưa kết nối được nhiều với thị trường và Nhà nước cũng chưa có cơ chế hỗ trợ nhà khoa học nữ trong việc đẩy nhanh các kết quả nghiên cứu vào phục vụ cuộc sống.
Thời gian qua, trung tâm tập trung hỗ trợ các nhà khoa học nữ quảng bá, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, kết nối các nhà đầu tư để thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh “kết nối” các sản phẩm đã có, trung tâm còn khơi gợi các ý tưởng, dự án nghiên cứu mới. Ðơn cử, trung tâm đã giới thiệu cho một doanh nghiệp xây dựng và PGS, TS Nguyễn Thị Hòe (Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova) hợp tác nghiên cứu thành công sản phẩm sơn kháng khuẩn, sử dụng hiệu quả tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại, dự án nghiên cứu về quần áo chống cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng đang được triển khai từ sự chủ động kết nối của trung tâm.
Sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí để trung tâm triển khai dự án thúc đẩy thương mại hóa sáu sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe của các nhà khoa học nữ. Ðó là sự ghi nhận, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ vào phục vụ cuộc sống. Các nhà khoa học mong muốn, hằng tuần, trung tâm đẩy mạnh hoạt động giao lưu giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo chuyên đề để nhà khoa học nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp và chia sẻ thông tin nghiên cứu nhằm tìm kiếm thêm đầu ra cho các kết quả nghiên cứu.
Theo HÀ LINH/nhandan.com.vn