Cập nhật: 06/11/2018 15:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày gần đây, sau khi Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng (lái xe container) sáu năm tù giam và buộc bị cáo phải bồi thường hơn 400.000.000 đồng, dư luận xã hội đã phản ứng về phán quyết này. Đây được cho là một quyết định khiên cưỡng, thiếu tính thuyết phục và chưa thấu tình đạt lý.

Công lý phải tạo nên sự công bằng trong xã hội.

Thực tế cho thấy, rất nhiều những vụ án oan sai vẫn thường xuyên xảy ra do những sai sót nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Và vụ án của Lê Ngọc Hoàng nếu không được xem xét một cách thấu đáo cũng sẽ có nguy cơ trở thành vụ án oan sai chấn động dư luận cả nước như vụ Trần Văn Thêm, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải…

Chưa bao giờ dư luận xã hội lại tỏ ra thương cảm với một bị cáo gây tai nạn giao thông nghiêm trọng như trong vụ án này. Và ngược lại, hàng loạt quan điểm phản bác gay gắt đến HĐXX đã được những người có chuyên môn và cộng đồng xã hội bày tỏ quan điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật sư Nguyễn Hồng Hiệp, người bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng, nhấn mạnh: “Nếu vụ việc xảy ra trên cung đường khác thì bị cáo Hoàng sẽ có tội. Tuy nhiên, đây là vụ án xảy ra trên cao tốc khi bị cáo Sơn là người lùi xe nên bị cáo Hoàng vô tội”. Nhiều người cho rằng, nói xe container đâm xe Innova là không chính xác mà trong sự việc này chính xe Innova mới là xe đâm vào xe container.

Ở nước ta, việc Tòa tuyên bị cáo vô tội là điều khá hiếm hoi. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại thực trạng là bất chấp kết quả tranh tụng công khai cho thấy bị cáo không phạm tội, Tòa vẫn tuyên có tội nhưng tuyên tội khác nhẹ hơn, hoặc áp dụng khung hình phạt thật nhẹ, vừa đúng với thời gian bị tạm giam… để bị cáo “đỡ thiệt thòi”. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ, khi vụ án được đưa ra xét xử thì đã qua nhiều giai đoạn tố tụng như điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử… và những người trực tiếp thụ lý đều đã “trót” cho rằng bị cáo có tội, cho nên nếu Tòa tuyên vô tội thì rất nhiều cơ quan (trong đó có chính Tòa án) sẽ không tránh khỏi trách nhiệm, mất uy tín. Đó là chưa nói đến việc có tiêu cực nên cố tình làm oan, sai.

Bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó. Luật pháp còn có tính xã hội vì nó chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ. Luật pháp có tính dân tộc, nghĩa là phù hợp với truyền thống, tập quán, giá trị đạo đức của các dân tộc trong đất nước. Bản chất này cho phép luật pháp gần gũi với dân chúng, được dân chúng ủng hộ, do đó mà có hiệu quả điều chỉnh lên các quan hệ xã hội. Luật pháp có tính thời đại, nghĩa là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước, có khả năng hội nhập với luật pháp quốc tế.

Cụ thể trong bản án này, dư luận xã hội phản ứng với kết luận của tòa án, bênh vực bị cáo với nhiều bằng chứng, lý lẽ thuyết phục. Một bản án đưa ra cần thấu tình đạt lý mới có tính răn đe, giáo dục để ngăn chặn người phạm tội và hạn chế những sai phạm trong xã hội. Tuy nhiên, nếu bản án được tuyên sai sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường và tạo nên một tiền lệ xấu cho xã hội.

Phía sau bản án là thân phận một con người. Ở đằng sau họ là vợ con, cha mẹ, và họ tộc. Một bản án sai không những hủy hoại tương lai của một con người, nó kéo theo hệ lụy bi thương và nhấn chìm một gia đình mà không có cách nào gột rửa, hệ lụy đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng xã hội hiện tại và lâu dài về sau.

Để tránh việc dẫn đến oan sai cho một con người, cần lắm sự công tâm, minh bạch và sự cầu thị đối với những ý kiến phản biện của xã hội của Hội đồng xét xử. Vụ án này chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một phiên tòa sắp tới sẽ được xét xử theo đúng trình tự pháp luật, đúng bản chất sự việc đã xảy ra và đúng với lương tâm của con người với con người nhằm đưa sự thật và công lý về đúng chỗ của nó. Chỉ có như vậy xã hội mới đồng thuận, tin tưởng vào tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo TRỊNH MAI ANH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm