Cập nhật: 07/11/2018 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quản lý khối tài sản lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước của DNNN vẫn thấp, không ít dự án thất thoát, thua lỗ lớn

Tỷ lệ thoái vốn mới đạt 8%

 Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được xem là chủ trương chính của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế. Trong 20 năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ 12.000 doanh nghiệp (DN) vào đầu những năm 90 đã giảm xuống còn khoảng 500 DN 100% vốn nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến năm 2020, cả nước còn khoảng 100 DNNN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn chưa được như mong muốn, hiệu quả hoạt động của DNNN so với DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhìn chung vẫn luôn là vấn đề bận tâm của dư luận.

Tính đến 31/12/2017, tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại DN. (Ảnh minh hoạ: KT)

“DNNN đang được giao quản lý, sử dụng khối lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp, chưa xứng với nguồn lực được đầu tư. Một số dự án thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn DNNN chậm, chưa đạt số lượng đề ra”, ông Hiếu chỉ rõ.

Theo ông Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, quá trình cổ phần hoá DNNN không chỉ chậm về tiến độ, mà việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo tài chính hoạt động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đến nay, còn hơn 500 DNNN đã cổ phần hoá (CPH) chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Sau hơn 20 năm thực hiện CPH, thoái vốn DNNN, tính đến 31/12/2017, cả nước mới chỉ phê duyệt phương án CPH của 32 đơn vị sự nghiệp công lập và tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại DN.

“Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu NSNN từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi CPH”, ông Trí nhấn mạnh.

Lý giải những hạn chế của việc thoái vốn DNNN, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho rằng, việc thoái vốn còn gặp khó khăn do sự chồng chéo của các quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Điều này làm cho việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn. Lý do có thể nằm ở sự chồng chéo trong phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành có liên quan, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… hoặc do những hạn chế về chuyên môn trong công tác pháp điển hóa…

Theo ông Lai, trên thực tế, đã có không ít trường hợp, trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, cơ quan xét xử đã áp dụng quy định về đấu giá tài sản để giải trình các tranh chấp phát sinh trong quá trình đấu giá cổ phần nhà nước.

 “Không ít các trường hợp, do nhiều lý do (chẳng hạn như kết quả kinh doanh yếu thua lỗ kéo dài, mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông; tỷ lệ sở hữu của nhà nước thấp…) nên cho dù DN có một số lợi thế nhất định về đất đai nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, dẫn đến bán vốn nhiều lần không thành công. Điều này dẫn đến một nghịch lý là bán cổ phần với mức giá 10.000đ/CP không thành công thì trong các lần bán tiếp theo, giá khởi điểm lại được xác định ở mức trên 10.000 đồng/CP. Hệ quả là việc thoái vốn đã khó lại càng khó hơn. Trên thực tế, đã có những trường hợp SCIC phải thuê tư vấn tổ chức bán đi bán lại tới 8 lần tại cùng một DN nhưng vẫn không thành công”, ông Lai nêu thực trạng.

Cần đổi mới cơ chế quản lý

Ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để hoạt động hiệu quả, DNNN cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, trong đó, áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế với DNNN. Cần gia tăng trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư trong kinh doanh đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, trước hết là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Giai đoạn 2020-2025, DNNN phải đặt mục tiêu hiệu suất sinh lời của vốn chủ sỡ hưu ít nhất 15%/năm; hiệu suất sinh lời tài sản từ 7-9%/năm với sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hoàn thành áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế với DNNN và được tổ chức uy tín xếp hạng, thừa nhận”, ông Trung đề xuất.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước

Xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của SCIC trong việc thoái vốn nhà nước, để đảm bảo công khai, minh bạch, tối đa lợi ích nhà nước, ông Lê Song Lai cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các DN.

“Pháp luật cần quy định đối với DN gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nếu không bán vốn có nguy cơ mất vốn và DN đã có xác nhận và cam kết trả nợ, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể dựa trên phân tích và đánh giá khả năng trả nợ để quyết định việc bán vốn trước khi thu hồi hết nợ”, ông Lai nêu ý kiến.

Ngoài ra, đại diện SCIC cũng đề xuất cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như DATC hay VAMC). Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC/VAMC.

“Cơ chế này sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho các bên. Một mặt giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại DN. Mặt khác với việc tái cơ cấu, chuyển khoản nợ thành vốn góp, DATC/VAMC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ HĐQT và Ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và cổ đông”, Phó Tổng giám đốc SCIC khẳng định./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm