Cập nhật: 07/11/2018 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bổ sung quy định phạm nhân không thể thực hiện được phần nghĩa vụ dân sự còn lại vẫn được xét đặc xá.

Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Báo cáo giải trình tiếp thu do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày nêu rõ, một số ý kiến đề nghị quy định điều kiện bắt buộc để được xét đặc xá với mọi tội phạm là phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, ý kiến khác cho rằng chỉ quy định phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

UBTVQH cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác nhưng chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này sửa theo hướng bắt buộc phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác đối với mọi tội phạm. Theo bà Lê Thị Nga, quy định này chặt hơn nhưng làm giảm đi phần nào ý nghĩa của chính sách đặc xá và thu hẹp hơn đối tượng được đặc xá.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của Luật hiện hành, chỉ quy định điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không quy định điều kiện phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá.

Về ý kiến này, quan điểm của UBTVQH đồng tình cho rằng nếu quy định chặt như dự thảo Luật sẽ dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.

Vì vậy, dự thảo Luật lần này bổ sung quy định, đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá nếu có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác còn lại đó theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Về điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt tù, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 đến 17 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Theo Uỷ ban TVQH, Luật Đặc xá hiện hành quy định người được đề nghị đặc xá phải đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Lần sửa đổi này quy định “đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, quy định như dự thảo Luật sửa đổi vừa chặt hơn Luật Đặc xá hiện hành, vừa trùng lặp với điều kiện tha tù trước thời hạn quy định tại Điều 66 của BLHS. Và quy định này có thể dẫn tới không còn hoặc còn rất ít đối tượng để xét đặc xá vì các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện (mỗi năm 3 đợt). Mặt khác, chưa thể hiện đúng tính chất của đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định.

“Đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành. Riêng các đối tượng không được tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 66 của BLHS nhưng theo Luật này được đề nghị đặc xá thì phải có thời gian chấp hành hình phạt tù dài hơn để bảo đảm sự phân hóa giữa các đối tượng, cụ thể là đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 17 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn” – bà Lê Thị Nga cho biết./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Tệp đính kèm