Cập nhật: 10/11/2018 11:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc đưa công an chính quy về phụ trách địa bàn xã là một chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở. Đồng thời, đây cũng là nét chuyển biến rõ rệt khi triển khai thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 6-8-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Việc chính quy lực lượng Công an xã góp phần bảo vệ an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành cũng như người dân. Theo nghị định, tổ chức bộ máy Bộ Công an được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, lực lượng công an cấp xã, thị trấn sẽ được xây dựng theo hướng tinh nhuệ, chính quy.

Một trong các công việc được quan tâm hàng đầu là bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT) tiến tới thống nhất trên toàn quốc sau khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan. Theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (CAND), làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn xã.

Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, TTATXH, thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật. Cũng theo Pháp lệnh này, công an xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của UBND cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của công an cấp trên. Hiện công an xã được bố trí tại các xã, gọi là Ban Công an xã do một trưởng công an xã đứng đầu, ngoài ra còn có phó trưởng công an xã và các công an viên được bố trí theo thôn, bản, buôn, ấp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức lớn, việc bảo đảm an ninh, TTATXH ở địa bàn nông thôn chủ yếu do lực lượng công an xã đảm nhiệm. Trong khi đó, đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước và tiềm ẩn phức tạp về ANTT, nhất là các vụ việc khiếu kiện, xung đột xã hội liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, việc thu hồi đất, dẫn đến một bộ phận người dân không có việc làm, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, cho vay nặng lãi, bảo kê... là nguyên nhân gián tiếp phát sinh các loại tội phạm hình sự.

Theo số liệu thống kê, trong các năm từ 2011 đến năm 2015, toàn quốc đã xảy ra 247.359 vụ phạm pháp hình sự; trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 131.734 vụ phạm pháp hình sự, chiếm 53,25%. Nổi lên là các tội giết người, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán người, tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực trạng và những con số nêu trên đã cho thấy, tội phạm chủ yếu nảy sinh từ cơ sở. Việc chính quy công an xã sẽ giúp giải quyết tốt những vấn đề về ANTT ngay từ cơ sở. Khi đó, cơ quan công an ở huyện, thành phố, tỉnh, trung ương sẽ được giảm tải, cũng như hạn chế được tỷ lệ phạm pháp hình sự chung trong toàn quốc.

Về vấn đề chính quy công an xã, theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng công an chính quy về hoạt động ở cấp xã nhưng không làm tăng biên chế mà chỉ điều chỉnh trong ngành. Tất cả vẫn theo tinh thần Bộ tinh gọn, tỉnh, huyện cũng phải gọn gàng. Trước mắt, biên chế có thể chưa giảm nhưng về cơ cấu sẽ phải giảm. Với công an xã không chính quy lâu nay sẽ được huy động trở thành lực lượng dân phòng, tổ chức chặt chẽ, quy định thành luật để hoạt động. Bộ Công an cũng đang đề xuất xây dựng luật để điều chỉnh lực lượng này, có thể điều chỉnh cả hoạt động của những người được gọi là hiệp sĩ, những người tình nguyện tham gia phong trào phòng, chống tội phạm trong quần chúng.

Cũng theo Bộ Công an, trong nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều mô hình bố trí lực lượng bảo đảm ANTT ở địa bàn xã. Tuy nhiên, các mô hình này chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu thực tế. Kinh nghiệm qua sơ kết triển khai thực hiện bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 828 xã ở 38 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, tuy có một số hạn chế nhưng có thể khắc phục được và đây là mô hình có hiệu quả nhất. Công tác tham mưu, quản lý nhà nước về ANTT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã được nâng cao, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo NGỌC QUỲNH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm