Bệnh dịch tả lợn châu Phi (AFS) đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, hiện đã xuất hiện ở một số tỉnh tại Trung Quốc, trong đó có Vân Nam, giáp với các tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Mặc dù AFS chưa có tại Việt Nam, song các ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp phòng ngừa, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: ANH QUỲNH
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 8-11-2018, đã có 19 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn bị nhiễm bệnh là hơn 372 nghìn con; số lợn chết vì bệnh là hơn 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy hơn 840 nghìn con. Riêng tại Trung Quốc, từ ngày 3-8 đến ngày 9-11, có hơn 66 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh khiến hơn 470 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Cục Thú y cảnh báo, nguy cơ AFS xâm nhiễm vào nước ta là rất cao, nhất là ở một số tỉnh phía bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn..., có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Tại Quảng Ninh, nơi có hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu, đường mòn - lối mở khá phức tạp, tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu ở các vị trí này, nhất là trên tuyến vành đai biên giới. Huy động các lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng, hải quan, quản lý thị trường và chính quyền sở tại tăng cường tuần tra, kiểm soát việc nhập lậu, thẩm lậu lợn và sản phẩm từ lợn tại khu vực biên giới vào trong nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Ðặng Huy Hậu cho biết, cùng với các giải pháp nêu trên, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống AFS, thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng... Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh đã công bố đường dây nóng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là AFS trên địa bàn. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh là cơ quan tiếp nhận thông tin đường dây nóng có số điện thoại: 0203.3623380; số điện thoại của các lãnh đạo Chi cục cũng được công bố gồm: 0912.308.644, 0936.952.589, 0975.654.773. Người dân và các tổ chức, đơn vị khi có thông tin về dịch bệnh có thể phản ánh tới các số điện thoại nêu trên (mọi thời gian trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết) để các cơ quan chức năng tiếp nhận và kịp thời xử lý.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Thể, tại các cửa khẩu chính, lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ cả người lẫn hàng hóa, phòng việc giấu sản phẩm động vật trong hàng hóa khác. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt giữ và tiêu hủy hàng trăm con lợn thịt và lợn giống nhập lậu, hơn bốn tấn thịt và nội tạng động vật không rõ nguồn gốc. Tại Lạng Sơn, từ đầu tháng 9 đến nay, thực hiện công điện khẩn của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đã có công văn gửi các đơn vị, quán triệt tinh thần phòng, chống AFS ở mức cao nhất.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, thú y, khả năng bùng phát của AFS rất rộng, cho nên không chỉ các tỉnh nêu trên mà cả những địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh cũng phải chủ động phòng, chống dịch. Thí dụ Hà Nội, nơi có nhiều trục đường giao thông quan trọng ra vào, việc kiểm tra dịch bệnh không hề đơn giản bởi trung bình mỗi ngày cơ quan chức năng thành phố kiểm soát gần 4.000 con lợn nhập từ các tỉnh về tiêu thụ. Mặt khác, tổng đàn lợn của thành phố hiện khoảng 1,6 triệu con, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60%, gây khó khăn cho kiểm soát dịch bệnh.
Trước tình hình nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện tốt việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, nhất là lợn không rõ nguồn gốc.
Theo Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, ngành nông nghiệp thành phố đã thành lập hai đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại 30 quận, huyện, thị xã để hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp: Chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn lợn... Thực hiện lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh; nhằm hạn chế mầm bệnh có thể phát sinh trong môi trường.
Tại Hà Nam, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì báo ngay Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Ðôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các điểm buôn bán và các địa bàn có nguy cơ cao có thể bị AFS xâm nhiễm nhằm hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các bộ, ngành liên quan, địa phương, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, chúng ta sẽ ngăn chặn hiệu quả, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Trước nguy cơ cao bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng xâm nhiễm vào Việt Nam, đầu tháng 11, Bộ trưởng NN và PTNT tiếp tục ban hành Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Ngày 12-11, Cục Thú y phối hợp Tổ chức FAO Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh AFS cho lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố phía bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra; các Chi cục Thú y vùng, Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư, Chi cục Kiểm dịch vùng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Theo ANH PHƯỜNG/nhandan.com.vn