Cập nhật: 23/11/2018 15:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dự kiến, tối 24 đến sáng 25/11, bão số 9 sẽ cập bờ ở khu vực giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn quốc gia, cho biết sáng nay cơ quan này đã phát bản tin tin bão khẩn cấp. "Dự kiến tối ngày 24 đến sáng 25/11, bão số 9 sẽ cập bờ ở khu vực giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, với cường độ gió mạnh cấp 8"- ông Hoàng Đức Cường thông tin và cho biết gió mạnh cấp 6 sẽ kéo dài từ tỉnh Phú Yên cho đến Trà Vinh.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai báo cáo tình hình về công tác ứng phó

Theo ông Cường, các dự báo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, đều nhận định bão sẽ di chuyển chủ đạo theo hướng Tây Tây Nam và tiếp tục mạnh thêm, di chuyển chậm và đạt mạnh nhất là cấp 10 trước khi vào bờ, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Trung Bộ bắt đầu từ ngày mai cho đến ngày 25-11, và khi bão đổ bộ vào bờ đạt cường độ thấp nhất là cấp 8"- ông Cường nói.

Ông Cường nhận định, việc ảnh hưởng gió mạnh lớn nhất của bão số 9, chính là ở khu vực đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). "Bão sẽ đạt cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12, 13 khi đi qua khu vực huyện đảo này. Đây là rủi ro lớn nhất khi gió mạnh ở trên biển"- ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 23/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.137 phương tiện/330.712 người (Hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão 3.855 tàu/23.509 người. Hiện các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm; hoạt động trên các vùng biển khác 13.640 tàu/80.631 người; neo đậu tại bến 46.642 tàu/226.572 người). Riêng tại tỉnh Bình Thuận cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16 giờ ngày 22/11/2018.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão số 9 ông Trần Quang Hoài Tổng cục phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn 3.855 tàu/23.509 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm 24 giờ tới tìm nơi tránh trú hoặc vào bờ đảm bảo an toàn. Uỷ Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng các phương tiện cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu...".

Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Tổng cục phòng chống thiên tai cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác chỉ đạo,ứng phó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn hệ thống đê.

Tổng cục Thuỷ lợi phối hợp chặt chẽ với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT và các địa phương trong công tác tính toán việc xả lũ khi cần thiết.

Bộ Giao thông Vận tải tăng cường công tác thông tin và hướng dẫn di chuyển, tránh trú, neo đậu đối với tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai, đảm bảo giao thông an toàn cho các loại hình giao thông (đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường không..).

Bộ Công thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó với việc xả lũ khi cần thiết, sự cố hồ thuỷ điện và đảm bảo hệ thống truyền tải điện". "Căn cứ vào thời gian dự báo bão đổ bộ vào đất liên, các địa phương cần có kế hoạch di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng sát ven biển trước 12 giờ ngày 24/11.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài nhấn mạnh: trên cơ sở diễn biến thực tế của bão số 9, các địa phương có kế hoạch chủ động cấm biển (đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh...). Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường phát sóng các chương trình hướng dẫn, phổ biến kiến thức hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai, nhất là lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục thiên tai.

Toàn cảnh cuộc họp ứng phó với bão số 9 (bão Usagi)

Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Tổng cục phòng chống thiên tai làm tốt công tác thông tin, phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương trong công tác tuyên truyền phòng chống bão nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng đến cộng đồng để người dân biết và chủ động trong công tác ứng phó, phòng tránh. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT tai và TKCN các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với bão, mưa lũ. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT./.

Trong ngày 24/11 hai đoàn công tác của Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đi kiểm tra thực tế chỉ đạo điều hành công tác ứng phó với bão và vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước. Đoàn thứ nhất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng Ban dẫn đầu đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; đoàn thứ hai  do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo  TW về PCTT Hoàng Văn Thắng đi kiểm tra, chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên)".

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm