Vừa qua, liên tiếp các cuộc thi, triển lãm ảnh chủ đề biển, đảo được tổ chức tại Hà Nội và Ðà Nẵng. Các tác phẩm tham dự đã góp phần tuyên truyền, quảng bá về vai trò, tiềm năng, vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam, đồng thời nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong sự nghiệp phát triển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Tác phẩm Biển đợi của Nguyễn Viết Rừng đoạt Giải nhất cuộc thi ảnh "Biển, đảo quê hương".
Chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn
Các cuộc thi, triển lãm ảnh đều thu hút rất nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh toàn quốc. Cuộc thi ảnh "Biển, đảo quê hương" tại Hà Nội do Ban Tuyên giáo T.Ư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức đã nhận được 5.219 tác phẩm (gồm 4.896 ảnh đơn và 420 bộ ảnh) của 849 tác giả từ 60 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi dự thi. Triển lãm mang tên "Biển đảo Tổ quốc" tại Ðà Nẵng trưng bày gần 150 bức ảnh được chọn lọc từ hàng chục nghìn tấm phim, bài viết trong tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam và một số tư liệu của Vietsopetro cùng các đồng nghiệp.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hầu hết các tác phẩm trưng bày đều có chất lượng tốt, chỉn chu về bố cục, bám sát đề tài, nhiều tác giả tạo được góc nhìn mới, gây ấn tượng với người xem. Về nội dung, xuyên suốt các tác phẩm là vẻ đẹp thiên nhiên, con người, thể hiện qua cuộc sống sinh hoạt gắn với biển, đảo. Ðiểm nhấn quan trọng là những hình ảnh về quá trình học tập, huấn luyện để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của lực lượng vũ trang và hoạt động lao động sản xuất, bám biển, bám đảo của ngư dân trên các vùng biển, đảo.
Ðáng chú ý trong các triển lãm gần đây là loại hình ảnh bộ đã được các tác giả tập trung đầu tư khai thác. Ðể có những bộ ảnh bám sát chủ đề, thể hiện góc nhìn sâu sắc, cần sự đầu tư lớn về thời gian, công sức, tư duy. Tiêu biểu như bộ ảnh Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đoạt Giải nhất thể loại ảnh bộ tại cuộc thi "Biển, đảo quê hương" chính là thành quả chuyến đi công tác 39 ngày của tác giả Trần Duy Tình (Bình Dương) tại Vùng 2 Hải quân vào tháng ba năm nay.
Những tác phẩm thể loại ảnh đơn đoạt giải trong cuộc thi này có góc nhìn giản dị nhưng ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, tác phẩm Biển đợi đoạt Giải nhất thể loại ảnh đơn của tác giả Nguyễn Viết Rừng ghi lại cảnh những người thợ sơn đang hoàn tất công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho ngày tàu hạ thủy. Ðó là lát cắt trong góc nhìn về ngành công nghiệp quan trọng ở một quốc gia có tới hơn 3.200 km đường bờ biển, cũng là kỳ vọng khi con tàu vươn ra biển lớn đem lại cuộc sống ấm no, phát triển.
Nhiếp ảnh gia 73 tuổi Lê Thị Kim Liên đến từ TP Hồ Chí Minh lại dự thi đề tài chủ quyền biển đảo bằng tác phẩm Hạnh phúc tuổi già chụp đôi bạn già nằm trên lưới đánh cá ở bờ biển Phan Thiết, ghi lại một khoảnh khắc bình yên, nhàn nhã hiếm hoi ở những con người mấy chục năm trời lam lũ, gắn bó với biển.
Với sự đầu tư về nội dung cũng như số lượng tác phẩm lớn gửi về dự thi, trưng bày, các triển lãm ảnh chủ đề biển, đảo được đánh giá ngày càng chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn. Ngay cả phương thức chấm giải cũng linh hoạt khi kết hợp chấm chọn online độc lập (vòng triển lãm) và ảnh giấy (vòng giải thưởng).
Ðầu tư để có tác phẩm tốt
Chia sẻ cùng chúng tôi, nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình - người vừa đoạt Giải nhất cuộc thi "Biển, đảo quê hương" tại Hà Nội cho biết: "Ðề tài biển, đảo, lực lượng vũ trang là đam mê suốt mấy chục năm qua của tôi. Trong mỗi chuyến đi sáng tác, tôi luôn giữ chiếc máy ảnh bên mình từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ vẫn mở xem lại ảnh. Chuyến công tác tại Vùng 2 Hải quân, tôi may mắn được đến 15 nhà giàn, ăn ngủ, chuyện trò với anh em chiến sĩ nên có được những khuôn hình chân thực về người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.
Họ vừa dũng cảm kiên cường, vừa chân chất đáng yêu. Vẫn là những gương mặt ấy, nhưng khi người lính đùa bên ngư dân, bên trẻ thơ sẽ khác khi họ khám, chữa bệnh hoặc làm nhiệm vụ. Phải quan sát thật tỉ mỉ, tinh tế thì người chụp ảnh mới chớp được khoảnh khắc có hồn nhất. Ðối với tôi, giải thưởng không phải là tiêu chí, chụp ảnh không phải để giải trí mà tôi đặt nhiệm vụ cho mình cần ghi chép lại những gì đẹp nhất của Tổ quốc".
Qua kết quả các cuộc thi, triển lãm, có thể thấy rằng, để có tác phẩm tốt, nhiếp ảnh gia buộc phải đầu tư công phu. Với triển lãm ảnh "Biển đảo Tổ quốc" tại Ðà Nẵng, phía sau hình ảnh phơi lưới buổi bình minh, bến cá nhộn nhịp lúc chiều về, những con tàu, giàn khoan sừng sững giữa biển khơi… là sự tỉ mỉ, nhạy bén của ống kính phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi lại đúng vào những khoảnh khắc "đỉnh điểm" nhất của sự kiện, ánh sáng và đường nét. Có như vậy họ mới phản ánh một cách trung thực, sinh động về cuộc sống lao động, tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì biển đảo Tổ quốc thiêng liêng của quân và dân ta qua các thời kỳ.
Nếu cuộc thi "Biển, đảo quê hương" hội tụ những tác phẩm mới sáng tác của các tác giả mới thì triển lãm "Biển đảo Tổ quốc" tập hợp những tư liệu quý như: hình ảnh Bác Hồ trong chuyến thăm một vùng ven biển; hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước bên bà con ngư dân, giữa một công trường xây dựng ven biển hay trên một chiếc tàu ngầm hiện đại; hình ảnh những người thợ đang treo mình bảo dưỡng cột giàn khoan khai thác dầu khí; những em bé tung tăng đến trường trong gió sớm Trường Sa và những thời khắc đời thường sinh động…
Trong tâm thức của mỗi công dân Việt Nam, biển đảo vừa gần gũi, vừa thiêng liêng và hành trình chinh phục, bảo vệ chủ quyền luôn xuất hiện những biểu tượng về bản lĩnh, khát vọng mãnh liệt của con người đã, đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm trở lại đây, các cuộc thi, triển lãm ảnh về chủ đề này được tổ chức khá đều đặn, chất lượng ngày một nâng cao, số lượng tác giả tham dự và công chúng đến thưởng thức ngày càng lớn thể hiện sự đúng đắn trong định hướng cũng như mức độ quan tâm đặc biệt của mỗi công dân bằng tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.
MAI LỮ
Theo nhandan.com.vn