Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 29-11 hằng năm làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng (NTD) và toàn xã hội về chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Thực tế trên thị trường trong nước hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang là vấn nạn đe dọa nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN làm ăn chân chính và quyền lợi NTD.
Hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất trong nước mà hiện còn sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào thị trường Việt Nam qua các cửa khẩu, bằng nhiều hình thức để tiêu thụ. Hàng giả cũng được sản xuất dưới dạng gia công chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó, chuyển đến một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Khi có đơn đặt hàng, được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ. Những năm qua, dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, nhưng hoạt động sản xuất, vận chuyển và buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn chưa bị đẩy lùi hoàn toàn, thậm chí còn diễn ra phức tạp, nhức nhối với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT cả nước phát hiện gần 35 nghìn vụ vi phạm, xử phạt hơn 121 tỷ đồng, với giá trị hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là chưa phản ánh hết thực tế bởi hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra tràn lan ở mọi lĩnh vực. Nguyên nhân do nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm, chưa quyết liệt thực hiện các quy định, giải pháp đã có. Còn một thực trạng là, DN có hàng hóa bị làm giả thường bỏ qua, làm ngơ do sợ ảnh hưởng uy tín của sản phẩm do mình làm ra. Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), hơn 60% NTD đã từng mua phải hàng giả, nhưng cũng không muốn lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ do ngại thủ tục phiền hà.
Trong điều kiện kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo nạn hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tinh vi, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Do vậy, lực lượng chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay từ tuyến biên giới để ngăn chặn xâm nhập vào thị trường nội địa. Mặt khác, các DN cần theo dõi sát thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ. Cần bỏ suy nghĩ, coi công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, mỗi NTD nên tự trang bị cho mình thêm kiến thức, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, để có cách tiêu dùng chuẩn mực, thông minh, tránh trở thành nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái. Với các giải pháp đồng bộ, chắc chắn trong thời gian tới, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái sẽ từng bước được đẩy lùi.
Theo Minh Dũng/nhandan.com.vn