Nằm trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, Nghị quyết 201 của HĐND tỉnh ban hành về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, thực sự là đòn bẩy, giúp nông nghiệp ở các địa phương phát triển.
Nghị quyết 201 nằm trong chương trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Chi cục Trồng trọt & BVTV được giao thực hiện nội dung hỗ trợ sản xuất rau ăn lá, rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP. Để việc thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, Chi cục đã hỗ trợ cho người sản xuất trực tiếp bằng các loại giống sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và hỗ trợ thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, phân bón hữu cơ vi sinh để sản xuất theo quy trình VietGAP. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, tổng diện tích thực hiện hỗ trợ sản xuất rau ăn lá, rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP từ 2016-2018 là trên 3.000 ha, trong đó có cây bí đỏ, dưa chuột, ớt, cà chua...
Đến nay, đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Su su, dưa chuột, ớt, bí đỏ. Sản phẩm rau quả đã cơ bản đáp ứng về nhu cầu về thực phẩm cho người dân Vĩnh Phúc và cung cấp khối lượng rau quả hàng hoá lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc, một phần xuất khẩu, rau mang thương hiệu của Vĩnh Phúc đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn ở nhiều tỉnh trong cả nước . Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ theo cơ chế của tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn nỗ lực trong việc liên kết với các doanh nghiệp, các HTX để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Nhờ có cơ chế hỗ trợ đó mà sản xuất rau ăn lá, rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP của tỉnh hiệu quả mang lại từ sản xuất các loại cây rau quả sản xuất hàng hóa an toàn theo VietGAP đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Trung bình: Cây bí đỏ đạt gần 49 triệu đồng/ha, cây dưa chuột đạt trên 120 triệu đồng/ha. Việc hỗ trợ sản xuất theo VietGAP đã giúp người sản xuất mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn, tăng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Đã hình thành một số vùng chuyên canh rau, sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP ước đạt khoảng 40 nghìn tấn/năm, bằng 25% tổng sản lượng rau sản xuất toàn tỉnh.
Thùy Linh