Cập nhật: 10/12/2018 14:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc sống của người dân vùng biển đảo chủ yếu gắn liền với ngư nghiệp. Đối với người dân đảo Lý Sơn, Hoàng Sa chính là ngư trường truyền thống và "ao nhà" của mình. Chính vì vậy, biết bao thế hệ ngư dân đã tiếp bước truyền thống cha ông vươn khơi bám biển trên ngư trường Hoàng Sa để khai thác hải sản mưu sinh, đồng thời trực tiếp tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Chinh (thứ hai từ trái sang) - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải hướng dẫn ngư dân tìm hiểu luật biển và kiến thức đánh bắt hải sản. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải-Lý Sơn chia sẻ trước năm 1981, khi ông còn làm thuyền trưởng, thời điểm ra khơi thường thấy nhiều cột mốc trên ngư trường Hoàng Sa.

Trên những cột mốc này có ba chữ lớn ở chính giữa và một dòng gồm những chữ nhỏ ở bên cạnh, sau đó ngư dân trên tàu đã ghi chép lại về hỏi ông bà và được biết đó là cột mốc ghi tên của người lên đảo đầu tiên.

Dòng chữ to trên cột mốc đó chính là “Phạm Quang Ảnh” và dòng chữ nhỏ là “Hoàng Triều Gia Long."

Theo di ngôn, Phạm Quang Ảnh, người làng An Vĩnh, xã An Hải, huyện Lý Sơn là một viên cai đội của Đội Hoàng Sa.

Tháng Giêng năm 1815, vua Gia Long Nguyễn Ánh phong ông làm cai đội của Đội Hoàng Sa và giao cho ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đi đến Hoàng Sa và Bắc Hải để xem xét, đo đạc thủy trình, trấn giữ Biển Đông và tìm kiếm sản vật quý về cho triều đình. Hoạt động của Đội Hoàng Sa đã góp phần xác lập chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ qua.

Ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết những năm trước đây ngư trường Hoàng Sa là nơi che chắn bao bọc bao đời cho ngư dân, nhưng sau giải phóng 30/4/1975 đến năm 1990, ngư dân ra Hoàng Sa khai thác bị ngăn cản không được vào đảo trú bão. Chính vì vậy, nhiều ngư dân khi ra khơi gặp bão tố đã phải nằm lại ở ngư trường Hoàng Sa mãi không trở về, hóa thành linh hồn tiếp tục bám biển xa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết ngày 27/5/1991, thuyền của ông ra khơi gặp cơn bão số 2, gió giật cấp 12. Do lúc đó không được vào đảo trú nên thuyền của ông Chinh phải vào khu vực đảo Bom Bay để trú bão. Sóng lớn khiến kính con thuyền bị vỡ.

Tiếp đó, tàu của ông Chinh bị nước phá vỡ, 17 thuyền viên bu lên cái chóp cabin ở trên bom tàu trôi lênh đênh trên biển kèm theo cả nước, dầu và lương thực đều không còn.

Bảy ngày sau, họ gặp một tàu cá khác cũng hết dầu, hết lương thực, đang chạy đi tìm nhiên liệu và tìm kiếm đường về. Thuyền viên trên tàu của ông Chinh được cứu vớt và đưa lên tàu của họ. Khi đó, bên tàu của họ có 14 người, bên tàu của ông Chinh có 17 người, tổng cộng 31 người lênh đênh trên biển 7 ngày.

Ngư dân lúc đó mất hết sức sống vì không có lương thực, họ đành phải lấy rong biển bốc lên ăn và uống nước biển. Lúc đó, những người trẻ thì còn sức, nhưng người lớn tuổi thì lả đi hết. Con tàu này tuy không bị hư hỏng nhưng dầu và lương thực cũng chẳng còn, thuyền viên phải lấy chăn để may làm buồm, lấy tre gian phơi mực để làm trụ kéo lên để lái thuyền đi.

Lênh đênh trên biển nhiều ngày, thuyền viên trên tàu đều đuối sức, khi đó người cha trên tàu lấy dây cước buộc thẻ thuyền viên lên tay của con. Họ xác định sẽ ra đi vĩnh viễn, sẽ phải nằm lại nơi đây, họ làm như vậy với mong muốn sau khi qua bão, ngư dân ra khơi sẽ gặp và biết để mang xác họ về.

Khi ông Chinh hỏi về nguyện vọng cuối cùng, 31 ngư dân trên tàu đều bày tỏ mong rằng Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ. Không chỉ riêng 31 ngư dân này, nguyện vọng của tất cả ngư dân gặp nạn trong những giây phút cuối đời đều mong Hoàng Sa trở về với Tổ quốc, và những người còn sống sót về vẫn thường xuyên được tiếng lòng của những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, được sự quan tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, huyện đảo Lý Sơn đã thành lập Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải - nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngư dân ra khơi không còn đơn lẻ, họ ra khơi theo tổ của nghiệp đoàn, ngư dân an tâm bám biển hơn, họ nương tựa vào nhau, bảo vệ cho nhau trước thiên tai địch họa của thiên nhiên.

Nghiệp đoàn nghề cá là cầu nối giữa Đảng, nhà nước tuyên truyền cho ngư dân trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Chính vì vậy, ngư dân ra khơi bám biển luôn có ý thức chấp hành pháp luật, không có tàu nào vi phạm lãnh hải các nước, cũng như luôn ý thức trách nhiệm bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Thuyền của ngư dân huyện đảo Lý Sơn ra khơi. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng đó, nhiều ngư dân sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, súng đạn của các thế lực ngoại bang xâm phạm.

Năm 2013, anh Bùi Văn Phái ra khơi khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, cách đảo Hoàng Sa gần 100m, bị tàu Trung Quốc 403 bắn gãy trụ cờ và bắn cháy lá cờ Việt Nam. Khi đó, các thuyền viên trên tàu rất can đảm, họ vừa chữa cháy vừa ra sức bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Không có cách nào dập lửa, họ đã leo lên trụ cờ ôm lá cờ. Tâm niệm của mỗi thuyền viên lúc này là phải giữ cho bằng được lá cờ Tổ quốc trên tàu.

Sau khi phía Trung Quốc thấy vậy, họ không hành động nữa mà xịt nước qua cho tắt lửa rồi bỏ chạy. Hiện nay, lá cờ đó đang được trân trọng lưu giữ ở Bảo tàng của Trung ương Đoàn.

"Ngư dân hết sức dũng cảm, họ xác định rằng nếu không ra Hoàng Sa nữa thì một ngày nào đó Hoàng Sa sẽ không còn, ngôi nhà của họ tại đất đảo này có lẽ sẽ không còn. Chính vì vậy mà ngư dân dù có khó khăn đến đâu họ vẫn quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa," anh Bùi Văn Phái tâm sự.

Dù tàu của mình nhiều lần bị tàu lạ tông va phá hoại, mất mát tài sản, khi trở về các ngư dân vẫn vay mượn tiếp tục đóng tàu ra khơi bám biển. Vì biển là một phần cuộc sống của ngư dân, họ không thể sống thiếu Hoàng Sa, Trường Sa. Nơi đây có một phần xương máu của cha ông và các chiến sỹ đã anh hũng hy sinh trong quá trình xác lập chủ quyền hàng nghìn năm nay./.

Theo MINH HẰNG (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/ngu-dan-cot-moc-song-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-viet-nam/541012.vnp

Tệp đính kèm