Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước tiên phong tháo gỡ hạn chế việc thiếu cảng đón khách chuyên biệt cho lĩnh vực du lịch tàu biển
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long
Nút thắt “trường kỳ” của du lịch tàu biển
Sở hữu những lợi thế về biển đảo, song suốt một thời gian dài, du lịch tàu biển Quảng Ninh vẫn chậm phát triển, mà nguyên nhân chính là sự thiếu hụt hệ thống cảng biển chuyên đón khách quốc tế.
Tính từ năm 2014 tới nay, số chuyến tàu biển đưa khách du lịch đến Hạ Long giảm liên tục. Mùa tàu biển năm 2016, chỉ có 55 chuyến tàu đưa gần 59.000 lượt du khách quốc tế đến Hạ Long, đạt 69% so với cùng kỳ 2015. Mùa khách tàu biển năm 2017-2018, Quảng Ninh đón khoảng 100 chuyến tàu quốc tế, với khoảng 10 vạn lượt khách. Con số này vẫn quá nhỏ, chưa thấm tháp gì so với 4,3 triệu lượt khách quốc tế đến Quảng Ninh năm 2017.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong thu hút khách quốc tế du lịch qua đường tàu biển đến Quảng Ninh là thiếu cảng tàu khách chuyên biệt. Phần lớn các tàu biển quốc tế đến Hạ Long đều cập cảng nổi Hòn Gai, neo đậu cách bờ khoảng 500m. Sau đó khách xuống tàu được chuyển sang một chiếc xà lan, rồi ngồi tender hoặc tàu gỗ nhỏ để tăng bo vào bờ. Hành trình di chuyển này không những mất thời gian mà còn khiến du khách cảm thấy bất tiện và không an toàn. Ngoài ra, các loại dịch vụ như nhà hàng, trạm điện thoại, nhà vệ sinh… ở những cảng này còn nghèo nàn và sơ sài. Tất cả những bất cập đó làm giảm sức hấp dẫn của du lịch tàu biển đối với du khách quốc tế.
Thực tế, đây là bài toán nan giải đối với các tỉnh, thành có biển trên cả nước, không riêng gì Quảng Ninh. Cảng tàu khách và cảng tàu hàng dùng chung là một lẽ, nhưng còn xảy ra tình trạng “khách đến nhà mà không ai đón” như trường hợp ngày 16/4/2018, tàu Ovation of The Seas mang theo 4.000 du khách và 1.600 thủy thủ đoàn cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng phải lênh đênh ngoài biển mặc dù đã đăng ký trước 18 tháng vì lý do tàu hàng đã lấp đầy cảng. Hay ngày 1/9/2018, chuyến tàu Voyager of the Seas chở 2.800 khách đến TP.HCM đã phải hủy do không có chỗ neo đậu…
Theo TS Hà Bích Liên - giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, việc thiếu bến cảng đón tàu du lịch đang trở thành nút thắt lớn chặn sự phát triển du lịch tàu biển của Việt Nam. Hậu quả của việc thiếu bến là rất nhiều công ty lữ hành mất khách, người dân, dịch vụ, nhà nước bỏ lỡ nguồn thu lớn.
Và sự tiên phong của Quảng Ninh
Trong bức tranh chung đó, Quảng Ninh trở thành điểm sáng khi tiên phong gỡ trúng nút thắt mấu chốt cản trở sự phát triển du lịch bằng đường biển.
6h sáng ngày 27/11/2018, Cảng hành khách quốc tế Hạ Long – cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của cả nước, do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long đầu tư đã chính thức đón chuyến tàu biển 5 sao đầu tiên mang tên Celebrity Millennium, xuất phát từ Hồng Kông đưa khoảng 3.000 hành khách và thủy thủ đoàn thuộc nhiều quốc tịch đến tham quan Vịnh Hạ Long.
Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Quảng Ninh có một cảng tàu khách chuyên biệt, quy mô quốc tế, có thể đón được tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (bao gồm cả hành khách và thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Không những đáp ứng yêu cầu cấp bách của du lịch biển Quảng Ninh, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long còn xứng đáng là điểm tham quan hấp dẫn khi nhà ga được thiết kế độc đáo, ấn tượng bởi Bill Bensley – top 5 kiến trúc sư hàng đầu thế giới.
“Đã có dịp đi tới khá nhiều cảng tàu trên khắp thế giới, nhưng tôi cảm thấy nơi này thật sự rất đẹp, làm tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi sẽ khuyến khích bất kì ai hãy lên ngay hành trình tàu biển đến thăm Hạ Long, đến với Việt Nam để có những trải nghiệm thú vị như thế này” – ông Ted, đến từ California, Hoa Kì – một trong những vị khách đầu tiên đặt chân lên Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long chia sẻ.
Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Quảng Ninh có thể nhanh chóng đưa vào khai thác, vận hành một cảng biển du lịch chuyên biệt với số vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng chỉ trong thời gian hơn 1 năm? Trong khi, khó khăn chung của nhiều địa phương là việc đầu tư cho một cảng khách chuyên biệt đạt tiêu chuẩn quốc tế cần số vốn rất lớn.
Đáp án của câu hỏi này chính là việc huy động khối kinh tế tư nhân vào cuộc. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cảng khách quốc tế do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Đây là hình thức đối tác công tư hết sức hiệu quả mà tỉnh Quảng Ninh đang phát huy trên một loạt công trình trọng điểm giao thông. Đó thực sự là một cảng hành khách chất lượng, mỹ quan và sẽ là điểm nhấn của du lịch Quảng Ninh.
Tư duy khơi thông nguồn vốn tư nhân, không trông chờ vào ngân sách nhà nước để phục vụ phát triển hạ tầng giao thông của Quảng Ninh vốn đã được coi là gương sáng điển hình của cả nước. Năm 2018, Quảng Ninh đón “trái ngọt” từ đối tác công tư khi hàng loạt dự án nghìn tỷ đã “về đích” như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, và 3 công trình trọng điểm đưa vào khai thác cuối năm như cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Với thành công này, Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ bước sang một chu kỳ tăng trưởng mới – ngay giai đoạn cuối năm 2018 – đầu 2019 với sự phát triển bứt phá về mọi mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Dự báo, lượng khách du lịch tới Quảng Ninh năm 2018 sẽ vượt qua con số kỳ vọng 12 triệu lượt (trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế) và không ngừng tăng mạnh trong những năm tiếp theo./.
Theo Ngọc Hà/VOV.VN