Du lịch tàu biển được xác định là loại hình du lịch cao cấp, đối tượng khách chủ yếu là tầng lớp trung lưu trở lên. Việt Nam may mắn sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này, song thời gian qua, lượng khách du lịch tàu biển đến nước ta chỉ chiếm khoảng 2,5 đến 3% tổng lượng khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với lượng khách đến bằng đường không, đường bộ. Ðây là thực trạng cần được nghiêm túc nhìn nhận, tìm hướng tháo gỡ để ngành công nghiệp không khói Việt Nam thật sự "cất cánh" từ tài nguyên biển, đảo.
Du khách nước ngoài cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh).
Dư địa còn bỏ ngỏ
Du lịch tàu biển thế giới và khu vực những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách. Theo thống kê của Hiệp hội Du thuyền quốc tế, chỉ trong 5 năm từ 2013 đến 2018, tổng lượt khách tàu biển thế giới đã tăng khoảng 24% (từ 21 lên 26 triệu lượt). Trong đó, mức tăng trưởng khách đến châu Á trung bình đạt 23% (từ 1,51 lên 4,26 triệu lượt). Ðáng chú ý, cứ 10 khách du lịch tàu biển tại châu Á thì có chín khách xuất phát từ chính châu Á. Ðiều này khẳng định thị trường nguồn quan trọng của du lịch tàu biển trong khu vực là khách nội vùng, đồng thời cũng cho thấy cơ hội của du lịch tàu biển Việt Nam với lợi thế về thị trường gửi khách gần.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ấm áp, sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú với hơn 3.200 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều vịnh biển đẹp hàng đầu thế giới như Hạ Long, Lăng Cô, Nha Trang…, Việt Nam được đánh giá là cực nam châm thu hút mạnh về du lịch tàu biển, nhất là khi các tỉnh, thành phố ven biển đều sở hữu phong cảnh đẹp với dấu ấn về lịch sử, văn hóa, di sản, ẩm thực…, cùng sự đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở tuyến giao thông hàng hải thuận lợi giữa bắc và nam châu Á, do vậy là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực; gần các trung tâm cảng biển hiện đại trên thế giới như Thượng Hải, Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po cho nên dễ tham gia vào các tuyến hành trình ngắn ngày và dài ngày giữa các điểm đến trong khu vực với các khu vực khác.
Ðể đón dòng khách du lịch tàu biển, Việt Nam đã phát triển một hệ thống cảng biển nước sâu như: Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Ðà Nẵng), Ðầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa), Nha Trang (Khánh Hòa), Sao Mai - Bến Ðình (Bà Rịa-Vũng Tàu), Mũi Ðất đỏ (Phú Quốc-Kiên Giang)…; thường xuyên trở thành điểm cập cảng của các hãng tàu lớn trên thế giới như: Quantum of the Seas, Voyages of the Sea, Dream Cruise…
Tuy nhiên, trên thực tế, so với lợi thế về tài nguyên và mặt bằng chung của khu vực, du lịch tàu biển Việt Nam phát triển chậm và chưa tương xứng. Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy: lượng khách du lịch tàu biển đến nước ta trung bình đạt dưới 300 nghìn lượt/năm với gần 500 chuyến tàu cập cảng, tức chỉ chiếm từ 2,5 đến 3% tổng lượng khách quốc tế. Mặc dù đứng thứ sáu trong danh sách các nước có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất trong khu vực năm 2017 với 404 lượt (sau Nhật Bản: 2.000 lượt, Trung Quốc: hơn 1.000 lượt, Hàn Quốc: hơn 700 lượt, Thái-lan: 500 lượt, Ma-lai-xi-a: 460 lượt), song tốc độ tăng trưởng khách tàu biển Việt Nam so với khách du lịch đi bằng đường không, đường bộ rất thấp, thậm chí có năm còn sụt giảm. Theo Vụ trưởng Lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương, nguyên nhân chính là do hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thiếu các cảng đón khách chuyên dụng, hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ, nhiều cảng đón khách phải sử dụng chung với cảng hàng hóa, dẫn tới một số tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng, làm ảnh hưởng uy tín điểm đến. Việc khách bị chào đón chung với hàng hóa, bị tăng-bo vào bờ bằng tender (tàu trung chuyển) cũng tạo tâm lý không thoải mái, thiếu thiện cảm với du khách. Du lịch tàu biển Việt Nam từng không ít lần ngậm ngùi trước cảnh khách đến nhà mà không thể đón. Ðơn cử, tháng 4-2018, tàu Ovation of the Seas mang theo 4.000 du khách và 1.600 thủy thủ đoàn cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng đành lênh đênh trên biển vì tàu hàng đã lấp đầy cảng. Hay tháng 9-2018, 2.800 khách trên một tàu du lịch cũng đã phải hủy kế hoạch đến TP Hồ Chí Minh do không có chỗ neo đậu…
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Câu chuyện "tàu và bến" rõ ràng đang là nút thắt của du lịch tàu biển Việt Nam. Và thách thức này không khó để nhận diện. Vấn đề ở chỗ là việc đầu tư xây dựng những công trình đặc thù, quy mô như cảng tàu khách chuyên dụng đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn cho nên không dễ giải quyết một sớm một chiều. Theo các chuyên gia, việc đi vào vận hành của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam do doanh nghiệp tư nhân đầu tư đã mở ra hướng đi mới trong việc huy động tiềm lực, sự năng động của khối kinh tế tư nhân trong giải quyết thực trạng này. Và trong khi chưa thể có nhiều cảng chuyên dụng đón khách quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, vẫn phải tận dụng các cảng hỗn hợp, nhưng cần đầu tư nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị như thang chuyên dụng từ tàu xuống cảng, hệ thống nhà vệ sinh, xe điện nội bộ… để đáp ứng nhu cầu du khách.
Thời gian qua, việc khai thác tài nguyên biển, các yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng sản phẩm cho đối tượng khách này còn nghèo nàn, thiếu đa dạng, chưa nêu bật được khác biệt của điểm đến, nhất là thiếu các hoạt động bổ trợ, vui chơi giải trí trên bờ, dịch vụ mua sắm cho khách tàu biển. Vì thế thời gian khách lưu lại Việt Nam còn thấp, trung bình chỉ từ 8 đến 24 giờ, mức chi tiêu cũng chưa được như kỳ vọng. Do đó, cần xây dựng gói sản phẩm du lịch tàu biển có điểm nhấn, tạo sự khác biệt về văn hóa, di sản, ẩm thực, dịch vụ bổ trợ, mua sắm hàng hóa… trên cơ sở tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh, điều này sẽ giúp nâng cao khả năng thu hút khách, gia tăng các giá trị nhờ kéo dài thời gian lưu trú trên bờ và khả năng chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tàu biển thông qua hệ thống, phương tiện truyền thông về du lịch, các hội chợ du lịch tàu biển, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin điểm đến với các hãng tàu biển hoạt động thường xuyên ở khu vực.
Trong phát triển du lịch tàu biển, sự xuất hiện của hệ thống cảng biển tạo nên cạnh tranh giữa các điểm đến để thu hút du khách, nhưng cũng tạo ra xu thế liên kết, hợp tác để tạo hành trình, tuyến du lịch đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách. Do đó, theo kinh nghiệm từ ông Wong Cheuk Hong, đại diện Hiệp hội Du thuyền châu Á, du lịch tàu biển Việt Nam muốn phát triển bền vững cần có sự phối hợp ở cấp khu vực, quốc tế, tham gia vào hành trình giàu tính kết nối để thu hút thêm nhiều lượt tàu đưa khách tới các điểm đến. Chính vì vậy, để phát huy những "dư địa" còn bỏ ngỏ của loại hình du lịch này, cần có chiến lược, giải pháp tổng thể và sự chung tay của nhiều bộ, ngành liên quan, không chỉ là du lịch mà còn là giao thông, biên phòng, an ninh, quản lý thị trường…
Bài và ảnh: TRANG ANH
Theo nhandan.com.vn