Việc khai thác ồ ạt các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt...) sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, nghiên cứu và khai thác, sử dụng nguồn năng lượng xanh (NLX), còn gọi là năng lượng tái tạo đang là xu thế mới hiện nay, góp phần thay đổi cơ cấu ngành năng lượng.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các nghiên cứu khoa học, công nghệ mới về NLX từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có tính bền vững (như năng lượng mặt trời, gió và đại dương; thủy điện...) mà giờ đây NLX đã có mặt ở khắp mọi nơi bởi các tiện ích mà nó đem lại: là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; trong quá trình sản sinh, không sinh ra bất kỳ chất độc hại nào như CO2, SO2..., giảm bớt sự nóng lên của Trái đất... Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát triển NLX với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, NLX, nhất là năng lượng mặt trời và gió nếu biết cách tận dụng hiệu quả sẽ là hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Hiện có nhiều dự án đầu tư về NLX đang được triển khai và đạt những kết quả khả quan. Ðiển hình như Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), đã đưa năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm, nước sạch… đến với người dân các tỉnh: Bắc Giang, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thừa Thiên - Huế, Ðác Lắc, An Giang, Cà Mau… Tính từ năm 2011 đến nay, GreenID đã thực hiện hơn 60 dự án giúp người dân tại các địa phương trong cả nước.
Theo Phó Trưởng Phòng phụ trách Môi trường và Phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Trần Minh, mặc dù nước ta có tiềm năng lớn về NLX, nhưng cho đến nay việc thúc đẩy nó còn khá hạn chế. Nguyên nhân chính là do hiệu quả thực thi các chính sách cũng như cơ chế quản lý, giám sát chưa sát hợp thực tế; thiếu doanh nghiệp cung cấp thiết bị NLX và dịch vụ liên quan. Hầu hết thiết bị phải nhập khẩu, các dịch vụ sau lắp đặt chưa có, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở dữ liệu, thông tin đánh giá còn thiếu hoặc không đủ tin cậy. Thiếu nguồn nhân lực khai thác, thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường; thói quen sử dụng năng lượng tùy tiện; tâm lý e ngại tiếp cận những lĩnh vực mới...
Ðể khắc phục bất cập nêu trên, các chuyên gia cho rằng cần ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng liên quan phát triển và sử dụng tài nguyên NLX. Bố trí kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ tại các dự án thí điểm, dự án công nghiệp hóa trong việc sử dụng năng lượng này và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðồng thời có thêm chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư cho các dự án lớn với điện gió, điện mặt trời, nhất là khu vực Nam Bộ. Tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân dùng năng lượng tái tạo, góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính, ô nhiễm không khí, môi trường sống. Cần tổ chức lập quy hoạch về phát triển NLX với sự tham gia của các nhà tư vấn, chuyên gia kỹ thuật hàng đầu… Làm được như vậy sẽ góp phần để ngành năng lượng theo kịp với xu thế thời đại, hoàn thành các mục tiêu, định hướng đề ra của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2068/QÐ-TTg ngày 25-11-2015; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo NINH ANH/nhandan.com.vn