Thực hiện nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã (tỉnh An Giang) đã phối hợp các nhà khoa học thiết kế, chế tạo thành công hệ thống sấy lúa vỉ ngang, năng suất 150 tấn/mẻ.
Hệ thống bao gồm lò đốt, quạt hoàn chỉnh, băng tải chuyển lúa từ ghe lên bồn sấy, được tích hợp các mô-đun rời tạo thuận lợi khi cần tăng năng suất hệ thống. Lò đốt được thiết kế đốt trực tiếp, hạn chế ảnh hưởng từ khói lò ám vào sản phẩm. Hệ thống này có thể giảm 30% chi phí so với các thiết bị sấy lúa khác chế tạo trong nước do chi phí điện và chất đốt giảm. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho các đơn vị chế biến lúa gạo ở một số tỉnh, thành phố.
Vật liệu mới giúp tăng công suất động cơ
Nhóm nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã tổng hợp được loại vật liệu kim loại vô định hình có tên MANC, mở ra khả năng dùng để sản xuất những động cơ nhỏ nhưng có công suất lớn nhờ giảm tỏa nhiệt khi hoạt động với tốc độ cao. Việc sử dụng vật liệu MANC cho phép sử dụng những động cơ nhỏ hơn để tạo ra công suất có thể sánh ngang với các động cơ lớn. Đó là do vật liệu MANC có điện trở suất cao, điều này không làm cho vật liệu nóng lên và động cơ không mất công suất. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu, tiến hành những thí nghiệm khác đối với MANC, để có thể ứng dụng trong tương lai nhằm cải thiện hoạt động của động cơ.
Rô-bốt “ngửi mùi”
Các nhà khoa học Trường Y khoa Duke, Bắc Ca-rô-li-na (Mỹ) đang thực hiện các nghiên cứu phát triển một loại rô-bốt có tích hợp thiết bị đặc biệt ngửi mùi như loài chó nghiệp vụ để phát hiện ma túy, chất nổ và cứu người. Các nhà khoa học sử dụng nguồn gien lấy từ mũi chuột để nghiên cứu phát triển một cơ quan khứu giác nhân tạo có khả năng cảm thụ mùi như chuột. Hiện, nghiên cứu đang mở rộng để có thể áp dụng cách thức mũi phát hiện những tín hiệu lạ trong môi trường bình thường. Đây là một hướng đi mới nhằm thay thế chó nghiệp vụ.
Theo nhandan.com.vn