Đá Bạc là một trong ba hòn đảo nhỏ vùng Tây Nam, có sức hấp dẫn lạ lùng với khách thập phương mỗi khi có dịp đặt chân đến vùng đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc. Đến điểm du lịch nổi tiếng ấy, giờ đây có thêm con đường láng nhựa thênh thang, phẳng phiu xuyên qua vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ, và băng qua những cánh đồng phì nhiêu thơm mùi hương lúa mới nhân dịp Tết đến, Xuân về...
Điểm cuối tuyến BT tắc Thủ-Đá Bạc nối liền vào khu du lịch Hòn Đá Bạc.
Vượt “chướng ngại vật” để mở đường
Để có được con đường mới ấy, trong điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn, tỉnh Cà Mau chủ trương kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa xây dựng - chuyển giao (BT). Có không ít “đại gia” lắm tiền đã tìm đến rồi lẳng lặng rút lui. Họ ngán ngại vùng đất Cà Mau mềm yếu, kênh rạch như mạng nhện, điều kiện vận chuyển thiết bị, vật tư và thi công vô cùng khó khăn. Song, chính những trở ngại ấy lại là động lực thôi thúc ông Đoàn Văn Quyết - một doanh nhân không phải người Cà Mau nhưng có tiếng là quyết đoán, thích khám phá và chinh phục những vùng đất khó.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là chung tay với tỉnh giúp nhân dân vùng đất còn nhiều khó khăn có thêm con đường mới, để bà con đi lại thuận tiện. Hơn nữa, những nơi càng khó khăn, công trình hoàn thành càng có ý nghĩa. Cũng vì lẽ đó, tôi đã bàn bạc với các thành viên trong Hội đồng quản trị, sau đó đặt vấn đề và xin đầu tư làm đường ở Cà Mau – ông Đoàn Văn Quyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Đồng Tâm (Công ty Đồng Tâm), chia sẻ.
Sau đó nhiều lần bàn bạc, trao đổi, thảo luận với đại diện từ UBND tỉnh Cà Mau, ngày 27-5-2015, UBND tỉnh Cà Mau quyết định ký hợp đồng BT với Công ty Đồng Tâm. Theo hợp đồng ký kết, Công ty Đồng Tâm (trụ sở chi nhánh tại phường 5, TP Cà Mau) sẽ xây đường cứu hộ, cứu nạn đê biển Tây, phục vụ quốc phòng, an ninh khu vực Hòn Đá Bạc, kết hợp phòng, chống cháy rừng Vườn quốc gia U Minh Hạ (gọi tắt dự án BT Tắc Thủ - Đá Bạc). Dự án có tổng chiều dài hơn 29 km từ Tắc Thủ (xã Khánh An, huyện U Minh) về Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và được phân kỳ thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ xây dựng mới 13,8 km đường và sáu cây cầu, từ cầu Xáng Múc đến cống Đá Bạc. Giai đoạn hai sẽ mở rộng trên nền đường nhựa cũ từ Tắc Thủ đến Co Xáng, dài khoảng 16 km và xây dựng mới bảy cầu, một cống trên tuyến.
Công nhân hoàn tất những công đoạn cuối cùng để kịp thông xe kỸ thuật giai đoạn 1 tuyến Tắc Thủ-Đá Bạc.
Theo đại diện chủ đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư tuyến Tắc Thủ-Đá Bạc là khoảng 600 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 450 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong 36 tháng (3 năm) kể từ ngày địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc vướng giải phóng mặt bằng, giá vật tư tăng đột biến ở khu vực miền Tây nên mãi đến tháng 2-2016, giai đoạn một của dự án BT Tắc Thủ-Đá Bạc mới chính thức được triển khai và thi công.
Ông Lê Đình Thiện, Trưởng Ban quản lý dự án BT Tắc Thủ-Đá Bạc, cho biết: Công ty điều động lượng lớn phương tiện, máy móc, cơ giới từ ngoài miền trung vào nam, qua chặng đường hơn 1.000 km. Nhờ vậy, ngay khi có mặt bằng sạch, công ty đã có sẵn các phương tiện, thiết bị cần thiết để triển khai thi công. “Chúng tôi rất mừng bởi phần lớn nhân dân trên tuyến đều tạo điều kiện thuận lợi để làm đường. Nhưng cái khó lớn nhất là việc vận chuyển vật tư, phải qua nhiều cống, đập ngăn mặn. Hơn nữa, ở khu vực miền Tây chỉ có một đơn vị đáp ứng được các điều kiện gác dầm cầu trong khi kênh rạch nhỏ nên không thể gác dầm đồng thời nhiều cây cầu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ công trình” - ông Thiện, chia sẻ.
Thông mạch vùng quê khó
Vượt qua bao khó khăn do điều kiện khách quan, đến nay, giai đoạn một tuyến BT Tắc Thủ-Đá Bạc đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ làm lễ thông xe kỹ thuật vào ngày 7-1-2019. Con đường mới được láng nhựa phẳng phiu, chiều rộng mặt đường 7m, lề mỗi bên 1m, băng qua Nông trường Khánh Hà, Nông trường 402 và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc của huyện Trần Văn Thời. Hơn 240 hộ dân trên tuyến đường rất mừng khi con đường mới hoàn thành vào dịp cận Tết cổ truyền của dân tộc. Ông Trần Văn Diệp, cán bộ hưu trí Nông trường 402 (ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây), nói: “Gần đất xa trời rồi tôi mới thấy ngang nhà mình có con đường láng nhựa rộng rãi, cứ tưởng như trong mơ. Mừng nhất là mấy đứa cháu nhà tôi, lấy chiếc xe đạp cũ tung tăng trên con đường mới hoài, vui mừng như có người cho quà bánh”.
Thông tin đường Tắc Thủ-Đá Bạc sắp thông xe giai đoạn 1 nhanh chóng lan khắp vùng quê thuần nông huyện Trần Văn Thời. Với cư dân vùng đất lam lũ, chăm làm, đó như tin vui bội thu vụ lúa, vụ cá đồng. Bà Trần Yến Nhi, cư dân Nông trường Khánh Hà (ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây) hồ hởi khoe: “Mấy bữa rồi, liên tục có xe tải lớn chạy vô tận rẫy của bà con trong xóm đặt trước tiền cọc mua nông sản phục vụ dịp Tết. Bởi vậy, ngoài việc đi lại, học hành của mấy đứa nhỏ thuận lợi, tôi tin là con cá, cọng rau… của cư dân trong vùng tới đây sẽ tiêu thụ dễ dàng và khó bị ép giá”.
Thấy rõ tiềm năng từ con đường mới nên ông Lê Việt Nam (hàng xóm bà Nhi) đón đầu, cất nhà tường cặp lộ, bỏ vốn lớn mở tiệm tạp hóa kết hợp nước giải khát. Với nhà nông “chân lắm tay bùn”, cả đời chi tiêu dè xẻn từng đồng như ông Nam, việc kinh doanh có thể còn khá lạ lẫm nhưng tư duy chuyển đổi sản xuất được xem là tích cực và có tính toán. Ông Nam chia sẻ: “Khi hoàn thành, con đường thông tuyến tận khu du lịch Đá Bạc, khách vãng lai khá nhiều. Đó là cơ hội để nhà nông như gia đình tôi có thêm thu nhập ngoài cây lúa, cọng rau, con cá”.
Con đường mới băng qua những cánh đồng hương lúa chín đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để thông xe kỹ thuật. Dọc tuyến, vài căn nhà tường còn thơm mùi nước sơn, nhiều hàng quán cũng vừa mọc lên. Nhà nông vùng quê ấy râm ran bàn tính chuyện có thêm “nghề tay trái” từ việc kinh doanh, buôn bán. Đó cũng là mong muốn, kỳ vọng của UBND tỉnh Cà Mau khi quyết định triển khai con đường trên.
Phần đường hoàn thành dọc tuyến BT Tắc Thủ-Đá Bạc giai đoạn 1.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lê Phong, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nhận định: Cư dân làng nghề ép chuối khô xã Trần Hợi; làm khô cá sặc rằn và nhiều loại khô đặc sản khác ở xã ven biển Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc sẽ có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. “Con đường mới đã làm chuyển biến cách nghĩ, cách làm, và mở ra cơ hội làm ăn cho cư dân vùng quê thuần nông ở địa phương. Khi hoàn thành, tuyến BT Tắc Thủ-Đá Bạc còn rút ngắn khoảng cách, thời gian từ TP Cà Mau đi khu du lịch Đá Bạc, giảm áp lực giao thông cho những tuyến đường liên xã đã xuống cấp, tạo nên sinh khí, động lực mới để thúc đẩy kinh tế, xã hội và du lịch của địa phương phát triển” - đồng chí Lê Phong, chia sẻ.
Đá Bạc là cụm đảo gồm ba hòn đảo nhỏ liền nhau, nằm sát đất liền, còn hoang sơ, huyền bí. Đây cũng là nơi ghi đậm dấu tích tự hào của quân và dân tỉnh Cà Mau trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến công lẫy lừng kết thúc thắng lợi Chuyên án CM12 vào ngày 9-9-1984. Sau nhiều năm trùng tu, xây dựng, Hòn Đá Bạc trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở vùng quê cuối trời đất phương nam. Năm 2009, Hòn Đá Bạc được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục, truyền lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Cà Mau. Bởi vậy, lượng du khách tìm đến Đá Bạc năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đề cập đến triển vọng con đường mới dẫn về khu du lịch Hòn Đá Bạc, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau đang đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó khuyến khích mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cộng đồng (home stay). Tuy nhiên, cái khó nhất là vấn đề giao thông, đi lại bởi kinh phí đầu tư làm đường khá lớn. Vì vậy, khi có thêm tuyến Tắc Thủ-Đá Bạc, tôi tin tưởng việc đi lại thuận lợi sẽ thúc đẩy tiềm năng du lịch khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ và Khu di tích Hòn Đá Bạc cất cánh trong tương lai gần.
Giai đoạn hai của dự án dài khoảng 16 km, làm mới tám cây cầu, chính thức triển khai từ cuối tháng 3-2017. Bằng nhiều cách thức khác nhau, chúng tôi đang nỗ lực hết mức có thể để đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trong quý I/2019 sẽ cơ bản hoàn thành phần đường và cầu để thông xe kỹ thuật - ông Lê Đình Thiện, Trưởng Ban quản lý dự án BT Tắc Thủ-Đá Bạc cho biết.
CÔNG MINH
Theo nhandan.com.vn