Cập nhật: 09/01/2019 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Ngoài những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc chung, chương trình GDPT mới sẽ trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung và triển khai kế hoạch giáo dục.

Trong các hoạt động giáo dục, điểm mới đáng chú ý là hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) được phân bổ 105 tiết/khối/năm học. Các hoạt động này là bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 nhằm mục đích giúp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, định hướng nghề nghiệp. Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng nhằm tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống, công việc; giúp học sinh khám phá, phát hiện vấn đề từ môi trường chung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương, đất nước...

Mặc dù đến năm học 2020 - 2021 mới áp dụng chương trình GDPT theo lộ trình, nhưng thực tế nhiều năm qua, hoạt động trải nghiệm đã được Bộ GD và ÐT khuyến khích, các trường triển khai với phương pháp và hình thức đa dạng, phong phú như: tham quan thực tế các di tích lịch sử, bảo tàng, tìm hiểu truyền thống, lịch sử địa phương, trải nghiệm tại các làng nghề, cơ sở sản xuất. Hoạt động trải nghiệm ở các cấp học giúp học sinh rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, phương pháp vừa học vừa chơi giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Ðể không phát sinh chi phí cho học sinh, nhiều trường tổ chức hoạt động trải nghiệm tại chỗ như lập các câu lạc bộ, trồng rau, gói bánh chưng, lao động công ích... Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động trải nghiệm đều được thực hiện theo mục đích, ý nghĩa, yêu cầu đặt ra. Nhiều trường triển khai theo lối hình thức, biến tướng. Một số hoạt động trải nghiệm, giáo dục truyền thống thực chất là đi chơi xa, dài ngày, phí cao. Thậm chí nhiều trường gắn mác hoạt động trải nghiệm để liên kết với các công ty lữ hành thu tiền của học sinh đi du lịch theo tua không phù hợp, ít tính giáo dục như: tham quan điểm du lịch suối, thác, công viên nước… vào những ngày đông giá rét. Nhiều hoạt động trải nghiệm không đúng mục đích, là cái cớ để trường lạm thu, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, để tăng quyền tự chủ cho các trường và thực hiện hoạt động trải nghiệm hiệu quả, đúng với mục đích, ý nghĩa, Bộ GD và ÐT cần ban hành quy định khung về các hoạt động trải nghiệm. Nhất là quy định về tài chính mà phụ huynh, học sinh phải đóng góp, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động trải nghiệm để thu tiền. Cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trải nghiệm. 

Theo QUỲNH NGUYỄN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm