Cập nhật: 21/01/2019 08:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình cảm nồng ấm được gửi trong những lá thư góp phần tô thêm sắc xuân nơi đầu sóng đảo Trường Sa

Một mùa xuân mới và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến rất gần, những ngày này nhiều đóa hoa mai, hoa đào đã e ấp nụ chào một mùa xuân mới. Cùng với người dân cả nước, cán bộ, chiến sỹ và người dân ở đảo Trường Sa cũng đang chuẩn bị đón Tết, khi những phần quà từ đất liền theo những chuyến tàu đã ra đến đảo.

Cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa đón đoàn công tác thăm đảo.

Những món quà gửi ra Trường Sa, ngoài gạo nếp, đậu xanh, bánh mứt, còn có những lá thư tay. Tình cảm nồng ấm được gửi trong những lá thư góp phần tô thêm sắc xuân nơi đầu sóng, để những người lính đảo vơi đi nỗi nhớ khi đón Tết xa nhà.

“Bố ơi, em Tít hay đòi bố, nhưng mẹ nói Tết này bố không về. Con biết, bố bận công tác ở đảo Trường Sa, xa lắm. Ở nhà, em Tít hay bắt nạt con, nhưng con nghe lời bố, con ngoan, con nhường nhịn em và nghe lời mẹ để bố yên tâm công tác. Con nhớ bố nhiều lắm. Khi nào công tác xong, bố về, rồi cả nhà mình đi về ông bà nội, bố nhé…” - Đó là những dòng chữ trong bức thư mà cô con gái học lớp 6 gửi ra cho người cha của mình đang công tác trên đảo. Đọc bức thư của con gái, chúng tôi thấy mắt anh nhòa đi. Trên gương mặt sạm nắng của người sỹ quan chỉ huy dạn dày sương gió, ánh lên một tình yêu thương tha thiết. Khác với vẻ nghiêm nghị khi chủ trì cuộc họp giao ban, hay sự đanh thép khi huấn luyện chiến sỹ ngoài thao trường.

Những món quà tinh thần đó là nguồn động viên lớn, giúp những người lính có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bởi gia đình, người thân và nhân dân cả nước luôn ở bên cạnh các anh. Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Một số cán bộ, chiến sỹ khi nhận được lá thư của vợ, trong đó có mấy dòng chữ của con. Con còn nhỏ. Khi đọc lá thư, chúng tôi rất xúc động với những tình cảm của gia đình, vợ con gửi cho mình. Những gì là truyền thống, chúng ta cần phải giữ, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước”.

Hiện nay, khi các phương tiện truyền thông đang nở rộ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, thì tại quần đảo Trường Sa, những lá thư tay vẫn là phương tiện truyền thống, quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống của cán bộ, chiến sỹ và người dân. Anh Phạm Hoàng Dũng, nhân viên bưu điện thị trấn Trường Sa cho biết, nhiều năm làm việc tại đây, anh đã gửi và nhận hàng chục nghìn bức thư từ đất liền ra đảo và ngược lại. Những bức thư được mang ra đảo, qua sóng biển, gió ngàn, chất chứa tình yêu và nỗi nhớ của người thân mỗi độ xuân về. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người lính trẻ khi đọc thư của mẹ, của người yêu. Anh Dũng đã chứng kiến nhiều giọt nước mắt hạnh phúc như vậy. Anh vui với niềm vui của người lính đảo mỗi khi nhận được thư của gia đình và người thân. Vì vậy, mỗi khi có chuyến tàu gửi thư ra đảo, anh cố gắng phân loại để chuyển đến tận tay người nhận một cách nhanh nhất.

Anh Phạm Hoàng Dũng nói: “Tôi thấy công việc làm nhân viên bưu điện của mình có nhiều ý nghĩa. Khi nhận được những bức thư gửi từ đất liền, tôi rất xúc động. Có điểm bưu điện ở đây, chúng ta khẳng định được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở thị trần Trường Sa này”.

Hàng ngày, điểm bưu điện, văn hóa thị trấn Trường Sa có nhiều người ghé thăm. Có người dù biết là tàu chưa ra đảo, nhưng vẫn ghé vào hỏi xem có thư không. Sự chờ đợi những lá thư tay từ đất liền như một thói quen của nhiều cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi đây. Những đợt mưa bão, biển động, những bức thư rất lâu mới chuyển được ra đảo. Ở Trường Sa, có những chiến sỹ thường xuyên viết thư tay cho bạn gái. Thư gửi về đất liền được đóng dấu của bưu điện và dòng chữ màu đỏ “Thư gửi từ Trường Sa”. Các chiến sỹ cũng không quên gửi theo chiếc lá bàng vuông, hoặc lá cây tra (cây nho biển), loại cây được trồng nhiều trên đảo. Qua những lá thư, nhiều cô giáo và các chú bộ đội bén duyên nhau và nên đôi vợ chồng. 

Trong những bức thư gửi ra Trường Sa theo đoàn công tác của chúng tôi lần này, có nhiều lá thư ngây thơ nét chữ học trò. Em Thu Nguyệt, học sinh một trường tiểu học ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang gửi tặng các chú bộ đội một tấm thiệp chúc mừng năm mới và dòng chữ “Cháu yêu chú bộ đội Trường Sa. Cháu hứa sẽ cố gắng học giỏi, chăm ngoan”. Chừng ấy thôi, cũng đủ làm ấm lòng những người chiến sỹ đang ngày đêm canh gác, gìn giữ biển trời quê hương.

Thượng úy Phạm Văn Đạt đang công tác trên đảo Trường Sa chia sẻ: “Tôi ấn tượng với lời chúc của một cháu bé đang học tiểu học, với những lời chúc ngây ngô và hình vẽ chú bộ đội đang ôm súng. Cháu chúc các chú sang năm mới bảo vệ vững chắc biển đảo, nhanh chóng được vào bờ để gặp các cháu. Những bức thư của các cháu từ đất liền gửi ra, tôi rất xúc động. Tôi cảm thấy rất tự hào. Trong quá trình công tác, chúng tôi càng quyết tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trên đảo Trường Sa hôm nay, những cánh hoa bàng vuông đã nở rực hồng, những cánh én chao nghiêng bên bờ sóng vỗ, chúng tôi cảm nhận được mùa xuân đang đến thật gần. Xuân nơi “đầu sóng, ngọn gió” với nhiều hương vị và màu sắc. Đó là vị mặn của biển, vị chát của những giọt mồ hôi trên trán của những người lính trẻ. Mùa xuân nơi đây còn có vị ngọt của tình thương yêu, được người dân cả nước gửi gắm qua những lá thư tay. Ngày mai, trở về với đất liền, nơi phồn hoa đô thị, chúng tôi sẽ rất nhớ Trường Sa, nhớ những hương vị và màu sắc của mùa xuân trên đảo, mà chẳng nơi nào có được./.

Theo Thành Trung/VOV.VN

Tệp đính kèm