Cập nhật: 25/01/2019 08:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù không còn phát triển bùng nổ như trước, nhưng năm 2018 ngành viễn thông vẫn giữ được mức tăng trưởng khá về doanh thu, tiếp tục đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do tác động kéo dài từ hàng loạt chính sách được ban hành trong năm 2018, cạnh tranh trên thị trường viễn thông năm 2019 dự báo tiếp tục sôi động, nhất là cuộc chiến giành thị phần giữa các “ông lớn”.

Giới thiệu những tính năng, dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng.

Phát triển nhiều mặt

Năm 2018 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành viễn thông Việt Nam, khi thị trường đã ở trạng thái bão hòa, nhiều dịch vụ truyền thống nguy cơ suy giảm,… Không những vậy, đây còn là năm chứng kiến nhiều biến động của thị trường dưới tác động của hàng loạt chính sách quản lý lớn được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, bao gồm: Kế hoạch tập trung xử lý triệt để tình trạng sim rác, kế hoạch chuyển đổi mã mạng hay triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số,… Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ngành viễn thông vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt 129,9 triệu, tăng 2,3%, trong đó số thuê bao di động đạt 125,6 triệu, tăng 3,8% so với năm 2017. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2018 là khoảng 15 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 6%.

Đóng góp vào thành công chung này, trước hết phải kể đến Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 25% so thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ năm liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% với mức tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 24,7%. Một trong ba ông lớn khác là Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan 7,5% so với cùng kỳ. Riêng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), dù có tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận giảm so năm 2017, nhưng vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1, đóng góp tới 60% tổng doanh thu, hơn 70% tổng lợi nhuận và hơn 70% số tiền nộp ngân sách của toàn ngành viễn thông. Đồng thời, Viettel tiếp tục là thương hiệu đứng đầu về giá trị ở Việt Nam, với mức định giá 3,178 tỷ USD, tăng 23,7% so với năm 2017.

Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, năm 2018 cũng chứng kiến bước tiến vượt bậc của các doanh nghiệp ngành viễn thông trong việc thích nghi và tận dụng cơ hội từ xu thế chuyển đổi số đang lan rộng khắp toàn cầu. Một số doanh nghiệp tiên phong như VNPT, Viettel,… đã chuyển đổi hiệu quả từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống đơn thuần sang nhà cung cấp dịch vụ số, tập trung xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng số như Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, vạn vật kết nối,… Thêm nữa, các doanh nghiệp này cũng đã làm chủ nhiều công nghệ chủ đạo hiện nay của thế giới như trí thông minh nhân tạo (AI), Blockchain, điện toán đám mây,… và đang chuyển sang bước ứng dụng để phát triển các giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam. Có thể nói, doanh thu từ mảng dịch vụ số hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp, nhưng dự báo, đây sẽ là lĩnh vực trụ cột, đóng vai trò quyết định giúp các doanh nghiệp cũng như đất nước bắt kịp đà phát triển của thế giới trong tương lai.

Thách thức hiện hữu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm đầy sôi động của thị trường viễn thông. Tác động của những chính sách đã ban hành trong năm 2018, nhất là dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến lớn về thị phần giữa các nhà mạng. Theo thống kê không chính thức, đã có hàng nghìn thuê bao tham gia sử dụng dịch vụ này và con số sẽ còn gia tăng gấp nhiều lần. Điều đó khiến các nhà mạng phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt nhằm giữ vững thị phần, đòi hỏi phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, xây dựng các gói cước phù hợp từng đối tượng khách hàng,… Bên cạnh đó, cuộc cách mạng số dù đang mang lại không ít cơ hội phát triển mới, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức. Với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của công nghệ, các doanh nghiệp phải luôn chủ động đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển để vươn lên đi đầu trong xu thế công nghệ mới, nhờ đó có thể bắt kịp và khai thác hiệu quả các cơ hội to lớn do cuộc cách mạng số mang lại.

Theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G ngay trong năm nay. Cùng với dịch vụ chuyển mạng giữ số, nếu các nhà mạng triển khai 5G có hiệu quả sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút sự quan tâm của khách hàng và mở rộng thị phần. Nhưng quá trình làm chủ công nghệ mới, nhất là phải cân đối hiệu quả đầu tư cho 5G trong bối cảnh hạ tầng 4G mới xây dựng và triển khai, chưa thể thu hồi vốn, cũng sẽ là bài toán đầy thách thức đối với mỗi nhà mạng. Quan trọng hơn, hiệu quả của 5G phụ thuộc rất nhiều vào hành động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế cho thấy, dù 4G đã được triển khai gần hai năm qua, nhưng vẫn chưa đạt được chất lượng và hiệu quả tối ưu do việc cấp phép băng tần vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục đấu thầu. Những khó khăn này cần sớm được tháo gỡ để tài nguyên băng tần được sử dụng một cách hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng mạng 4G hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mạng 5G trong thời gian tới.

Theo THÁI LINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm