Cập nhật: 09/02/2019 15:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm kháng chiến, lại dâng lên trong lòng niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của người vang lên trên Đài tiếng nói Việt Nam mỗi đêm Giao thừa.

Những tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn được người dân quan tâm.

1 / Trong suốt thời gian làm Chủ tịch nước (từ 1946 cho đến khi qua đời), Bác đã viết tất cả 20 bài thơ chúc Tết. Bài thơ chúc Tết đầu tiên kể từ khi Bác giữ cương vị Chủ tịch nước là bài “Chúc Tết Đinh Hợi 1947” và bài thơ chúc Tết cuối cùng chính là bài chúc “Tết Kỷ Dậu 1969”:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Đây là một trong ba bài thơ chúc Tết được viết theo thể lục bát (hai bài lục bát chúc Tết trước đó được Bác viết năm 1951 và 1954), gồm sáu câu, mỗi câu thơ chứa đựng một âm hưởng hào hùng, một khí thế thừa thắng xốc tới:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Trong hai dòng lục bát đầu tiên, Bác đã tổng kết lại một cách ngắn gọn thành công của năm cũ và dự đoán đầy tin tưởng cho sự thắng lợi của một năm mới. Âm hưởng của chữ “thắng” được lặp lại trong hai dòng thơ như một sự kéo dài, nối tiếp qua thời gian và cả không gian. Niềm vui chiến thắng đã từng đi vào rất nhiều bài thơ khác của Bác, tạo ra một cảm hứng mãnh liệt để thi ca xuất hiện:

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu

Ấy tin thắng trận Liên khu báo về

(Tin thắng trận, 1948)

Lục mãi giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao

(Không đề, 1968)

Những mùa xuân thắng lợi sẽ nối tiếp nhau để mục đích cuối cùng của toàn thể dân tộc là “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập”:

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Câu thơ như một lời tuyên ngôn chắc nịch, hùng hồn. Trong một dòng thơ mà xuất hiện đến bốn lần những động từ gây cảm giác mạnh: đánh (hai lần), cút, nhào. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, kịch liệt nhất. Câu thơ của Bác như một lời động viên đầy phấn khích để toàn dân, toàn quân tiến lên. Hai động từ “cút”, “nhào” có tính phỏng hình rất cao, phù hợp với đối tượng chịu sự tác động.

Hai câu kết của bài “Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969” đã nói lên mong ước không chỉ của Bác mà còn của toàn thể nhân dân Việt Nam:

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn

Động từ “tiến lên” thể hiện được sự đoàn kết một khối và khí thế mạnh mẽ sẵn sàng chiến đấu của quân dân ta truớc mọi kẻ thù. Trong nhiều bài thơ Chúc Tết khác, Bác cũng dùng động từ “tiến lên”:

 

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào

(Thơ Chúc Tết Xuân Đinh Hợi 1947)

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta

(Thơ Chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968)

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc ấy cùng thắp sáng một niềm khát khao duy nhất về ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam hai miền không còn chia cắt. Đó sẽ là ngày mẹ được gặp con, vợ được gặp chồng, anh em bạn bè được hội ngộ trùng phùng trong mùa xuân chung của dân tộc.

2 / Có thể nói, trong suốt hơn hai thập kỷ, những bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam. Mỗi bài thơ chúc Tết của Bác là một sự tổng kết thắng lợi năm cũ, đề ra mục tiêu năm mới, và bao trùm lên hết thảy luôn luôn là một khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Từ khi Bác đi xa, người dân không còn được nghe những bài thơ mừng xuân mới của Bác nữa, nhưng nỗi nhớ thương thì vẫn còn nguyên vẹn trong triệu trái tim. Nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ giùm ta: Bác ơi Tết đến. Giao thừa đó/Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/Ríu rít đàn em vui pháo nổ/Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân. Nhà thơ Vũ Cao trong niềm xúc động khôn nguôi, chỉ mong lại được thêm một lần nữa nghe Bác đọc thơ: Cho con ước tự bây giờ/Mỗi năm, cứ đến Giao thừa mỗi năm/Bác về cùng với nhân dân/ Đọc thơ chúc Tết một lần rồi đi!

Sáu năm sau khi Bác viết bài thơ chúc Tết cuối cùng, niềm mong ước bấy lâu của Người đã trở thành sự thật. Nhớ lời dạy của Bác từ đó đến nay các thế hệ người Việt Nam đã ra sức phấn đấu, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn. Với chúng ta, những người con đất Việt mãi mãi tin và hiểu rằng: Người vẫn luôn từng ngày dõi theo bước đường của dân tộc, của lớp lớp cháu con đang cùng nhau đồng lòng vì một ngày mai tươi sáng hơn: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn (Tố Hữu).

 

Theo ĐÕ ANH VŨ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm