Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngay sau khi những tay súng cuối cùng của chúng bị đánh đuổi khỏi Syria.
Đoàn xe của các lực lượng Mỹ được triển khai tại làng Yalanli, ngoại ô phía tây thành phố Manbij, Syria, ngày 5/3/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã đưa ra cam kết trên sau cuộc họp ngày 15/2 với các nước đồng minh bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức.
Phát biểu sau cuộc họp, quyền Bộ trưởng Shanahan nói: "Chúng ta đã cùng nhau giành lại 99% vùng lãnh thổ từng nằm dưới sự kiểm soát của IS mà tổ chức này tự xưng một phần trong cái gọi là Vương quốc Hồi giáo. Trong khi thời điểm rút binh sỹ Mỹ trên thực địa ở miền Bắc Syria đang đến gần, Mỹ vẫn cam kết với mục tiêu của liên minh chống IS. Đó là đánh bại hoàn toàn IS ở cả khu vực Trung Đông và những khu vực khác."
Quyền Bộ trưởng Shanahan cho biết Mỹ sẽ vẫn duy trì năng lực chống khủng bố của nước này tại Trung Đông và tiếp tục hỗ trợ các đối tác trong khu vực tái thiết cũng như ngăn chặn sự trỗi dậy của IS. Tuy nhiên, quan chức quốc phòng này không nêu chi tiết về cách thức mà Mỹ sẽ hỗ trợ sau khi rút quân khỏi Syria.
Trong những ngày gần đây, Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) - một liên minh giữa các nhóm Arab và người Kurd được Mỹ bảo trợ - tuyên bố triển khai đợt tấn công cuối cùng nhằm vào tỉnh Deir Ezzor, được coi là thành trì còn lại duy nhất của IS tại miền Đông Bắc Syria.
Với việc đánh bại IS, các binh sỹ Mỹ dự tính rút khỏi các vùng đất do người Kurd kiểm soát.
Trước đó, hồi tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria sau hơn 3 năm can thiệp quân sự vào quốc gia này với chiến dịch chống IS.
Ông nêu rõ quân đội Mỹ đã hoàn thành mục tiêu đánh bại IS ở Syria, và bất chấp việc rút quân khỏi Syria, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho chiến dịch tiêu diệt khủng bố và cứu trợ nhân đạo tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Thông báo này của Mỹ đã gây bất ngờ cho nhiều đồng minh. Hầu hết các ý kiến phản đối cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường.
Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của SDF được Mỹ ủng hộ, tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình thế không chắc chắn.
Trong khi đó, ngày 14/2, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hay còn gọi là nhóm "Bộ ba" Astana về giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria, trong tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 giữa nguyên thủ 3 nước, đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Mỹ rút binh sỹ khỏi Syria, mặc dù vẫn tỏ ra thận trọng về việc Washington thực hiện nghiêm túc cam kết này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã nhất trí rằng việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi phía Đông Bắc Syria "sẽ là một bước đi tích cực" giúp ổn định tình hình trong khu vực này, nơi mà chính quyền hợp pháp của Syria cần tái thiết lập sự kiểm soát.
Các bên cũng nhất trí về một giải pháp lâu dài giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trên cơ sở chính trị-ngoại giao, trước hết là Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như đảm bảo sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria./.
Theo MINH CHÂU (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/my-cam-ket-tiep-tuc-ho-tro-cuoc-chien-chong-is-tai-syria/552979.vnp