Cập nhật: 20/02/2019 08:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 16-2, tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra Hội nghị “Phát triển du lịch miền trung và Tây Nguyên” bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để phát triển lĩnh vực mũi nhọn của khu vực này.

Trao quyết định chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp với tổng mức hơn 32.300 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền trung phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Ban điều phối Vùng duyên hải miền trung và các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên tổ chức hội nghị “Phát triển du lịch miền trung và Tây Nguyên” nhằm thể hiện quyết tâm, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên trong việc thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực và lan tỏa trong thu hút đầu tư vào ngành kinh tế du lịch mà cả vùng đều có thế mạnh.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trương Quang Nghĩa, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban điều phối duyên hải miền trung; Trường Lưu, Bí Thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền trung; TS Trần Du lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền trung.

Tham dự hội nghị có hơn 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành trung ương, 19 tỉnh và thành phố khu vực miền trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, du lịch, các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương.

Bàn các giải pháp đột phá để phát triển lĩnh vực mũi nhọn

Khu vực miền trung - Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh với diện tích tự nhiên xấp xỉ gần 152 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, miền trung - Tây Nguyên là lãnh thổ có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.

Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế đông - tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền trung - Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành, trong đó có năm sân bay quốc tế. Hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1, trong đó Cảng nước sâu Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) đón được tàu biển lớn nhất thế giới cập cảng.

Nơi đây còn là hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có chín vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung chín di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền trung nhiệm kỳ 2017 - 2018 Phan Ngọc Thọ cho rằng: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, câu danh ngôn này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Chính vì thế, hôm nay, 19 tỉnh, thành phố miền trung - Tây Nguyên cùng liên kết tổ chức Hội nghị phát triển du lịch nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch miền trung - Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực.

Lấy cụm ngành du lịch làm trung tâm phát triển

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những tiềm năng lợi thế hiếm có về du lịch của khu vực miền trung - Tây Nguyên. Thủ tướng cho rằng, đây là khu vực hội tụ đầy đủ các tài nguyên du lịch Việt Nam như biển đảo, sinh thái, văn hóa, núi rừng… Đặc biệt là việc sở hữu đến 11 di sản văn hóa thế giới cũng như số lượng nhiều nhất các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng đẹp.

Thủ tướng cho rằng, du lịch miền trung - Tây Nguyên đã đủ điều kiện để hình thành và phát triển các cụm ngành du lịch tổng hợp như cụm du lịch biển đảo, cụm du lịch văn hóa, cụm du lịch khám phá… Trong mỗi cụm ngành du lịch này, sẽ có các ngành dịch vụ theo kèm để cùng tương hỗ thục đẩy du lịch phát triển. Do vậy, theo Thủ tướng, các địa phương trong khu vực miền trung - Tây Nguyên cần lấy tổng thể cụm ngành du lịch để phát triển đồng bộ, làm trọng tâm phát triển du lịch, chứ không nên chỉ chú trọng vào yếu tố tài nguyên.

“Tính chất giàu tài nguyên, nhiều di sản là nền tảng để đưa du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, du lịch cả miền trung - Tây Nguyên vẫn như viên ngọc thô chưa được mài dũa. Và việc sở hữu nhiều tài nguyên vừa là thuận lợi nhưng cũng khiến du lịch miền trung gặp nhiều khó khăn như không nhận diện được thương hiệu, sự đầu tư dàn trải hay sự thiếu quan tâm chắt chiu, lãng phí trong khai thác tài nguyên dẫn đến các tài nguyên du lịch dần bị cạn kiệt. Thậm chí, nhiều tài nguyên cũng khiến chúng ta tập trung khai thác mà quên đi việc gìn giữ bảo vệ môi trường. Do đó, tôi nhắc lại, các địa phương phải lấy cụm ngành du lịch làm trung tâm, chứ không phải là tài nguyên du lịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, nhìn một cách tổng thể, du lịch miền trung - Tây Nguyên vẫn còn rất mất cân đối, thiếu bản sắc, đặc biệt là bản sắc chung của du lịch Việt Nam mang tính toàn cầu. Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch cũng đang bị phân mảnh trong quản lý, sự xung đột về lợi ích của các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp - du lịch,… dẫn đến các tài nguyên du lịch dần mất đi.

Xây dựng hình ảnh, văn hóa du lịch

Thủ tướng cho rằng: “Du lịch còn chậm đổi mới cả về chất lượng lẫn hình thức, không chỉ yếu và thiếu về trình độ chuyên môn mà còn thiếu cái tâm, đó là tình trạng chặt chém du khách, taxi dù, bán hàng rong, lừa đảo ép khách du lịch… làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi kiểm tra thấy có hơn 3,7 triệu kết quả về tin, bài về “chặt chém” du khách. Ai cho phép điều đó diễn ra?”.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ phương hướng phát triển của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch miền trung - Tây Nguyên nói riêng, đồng thời đưa ra năm câu hỏi cho ngành du lịch: (1) Làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn? (2) Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn? (3) Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn (thay vì không có gì để chi tiêu)? (4) Làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện du lịch tại Việt Nam với ấn tượng tốt đẹp (thay vì chê bai)? (5) Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể (chứ không phải một đi không trở lại)?

Thủ tướng chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngọai ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; các điểm đến; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong sự phát triển của du lịch miền trung - Tây Nguyên. Đồng chí kêu gọi sự tham gia chung tay của các nhà đầu tư cùng Chính phủ, địa phương đầu tư mạnh mẽ hơn để du lịch miền trung - Tây Nguyên phát triển, cũng như tạo điều kiện để phát huy tiềm năng to lớn của miền trung - Tây Nguyên.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu để tạo điều kiện phát triển du lịch, cũng như gợi mở các chính sách mới như cấp thị thực điện tử, nới lỏng và tạo điều kiện cấp thị thực cho du khách; quảng bá du lịch qua internet; đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng như mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, xây dựng cảng biển chuyên dụng cho du lịch, xây dựng tuyến đường ven biển bằng hình thức xã hội hóa… để phục vụ phát triển du lịch.

Cũng tại hội nghị, Ban Tổ chức đã trao quyết định chủ trương đầu tư của UBND các tỉnh, thành trong khu vực về 15 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp cho các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 32.300 tỷ đồng.

Tin, ảnh: CÔNG HẬU

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm