Việt Nam được đánh giá là một trong bốn quốc gia trên thế giới có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều nhất. Các nguồn gây ô nhiễm chính liên quan chất thải nhựa trên biển chủ yếu là nguồn thải trên đất liền gắn với các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa vùng ven biển, các hoạt động giao thông, đánh bắt trên biển…
Người dân TP Đà Nẵng thu gom rác ven biển. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG
Hiện nay, ô nhiễm môi trường do chất thải đại dương từ hoạt động thường ngày của con người, lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển đang là một trong những vấn đề được quan tâm trên thế giới. Chất thải đại dương được phân loại theo nguồn gốc như: Nhựa, thủy tinh, cao-su; trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn. Các loại chất thải nhựa thường gặp trong môi trường biển gồm nhựa Polypropylen (nhựa PP), nhựa Polyetylen (nhựa PE), nhựa Polyvinylclorua (nhựa PVC)… Đáng lo ngại, chất thải nhựa, đặc biệt là chất thải nhựa có kích thước micro (< 5mm) hình thành trong quá trình sản xuất, hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật, gây những tác động đáng kể đến các hệ sinh thái biển. Trong khi đó, chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt, giảm năng suất đánh bắt thủy sản và du lịch...
Số liệu thống kê cho thấy, hơn 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực Biển Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin… Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Các nguồn gây ô nhiễm chính liên quan chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).
Nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải biển, trong đó có chất thải nhựa trên biển, Việt Nam đã tích cực tham gia các diễn đàn đa phương và liên chính phủ về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải biển. Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015) quy định chi tiết về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới. Tuy nhiên, chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Đáng chú ý, mặc dù có thể xác định được nguồn gốc chất thải nhựa trên biển, nhưng hiện nay, Việt Nam chưa có đánh giá về tổng lượng chất thải nhựa xuống biển mỗi năm và tổng lượng chất thải nhựa hiện có ở trên biển. Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong đánh giá thực trạng, kiểm soát, quản lý, và các tác hại gây ra của chất thải nhựa đối với kinh tế - xã hội - môi trường…
Viện trưởng Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Lê Tuấn cho rằng: Để giảm thiểu, khắc phục những tác động tiêu cực của chất thải nhựa trên biển, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá hiện trạng và tác động của ô nhiễm chất thải nhựa đến hệ sinh thái biển và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân thông qua sử dụng hải sản. Ngành tài nguyên và môi trường cần thiết lập hệ thống quan trắc, cơ sở thông tin, quản lý không gian về ô nhiễm và xu hướng di chuyển của chất thải nhựa trên biển. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát nguồn thải nhựa nhằm giảm tác hại thông qua các hành động và sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bộ, ngành, địa phương ven biển và tổ chức quốc tế dựa trên các yếu tố khoa học, cấp thiết và hiệu quả.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và triển khai những giải pháp giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý chất thải nhựa; có chế tài nghiêm khắc đối với cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại… Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe; đồng thời kêu gọi người dân sinh sống tại các khu vực ven biển, trên biển không xả thải chất thải nhựa ra môi trường biển tại khu vực sinh sống và làm việc…
Theo THÁI SƠN/nhandan.com.vn