Trạm năng lượng Mặt Trời trong không gian sẽ thử nghiệm công nghệ truyền dẫn không gian cũng như nghiên cứu ảnh hưởng của các sóng cực ngắn bức xạ lại Trái Đất đối với các sinh vật sống.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng trạm năng lượng Mặt Trời trong không gian để giảm ô nhiễm và giảm thiếu hụt năng lượng.
Vốn đầu tư ban đầu của dự án Trạm năng lượng Mặt Trời tương đương 15 triệu USD. Ảnh minh họa. (Nguồn: NASA)
Ngày 27/2, tờ China Daily của Trung Quốc dẫn lời ông Xie Gengxin, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới hợp tác Trùng Khánh về hội nhập quân sự-dân sự, cho biết các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thiết kế một cơ sở thử nghiệm ở huyện Bích Sơn thuộc thành phố Trùng Khánh.
Cơ sở thử nghiệm có diện tích lên tới 13,3 hécta sẽ được sử dụng để thử nghiệm tính khả thi của trạm năng lượng Mặt Trời, thử nghiệm công nghệ truyền dẫn không gian cũng như nghiên cứu ảnh hưởng của các sóng cực ngắn bức xạ lại Trái Đất đối với các sinh vật sống.
Mỗi lần trạm hoạt động, các nhà khoa học và kỹ sư sẽ sử dụng những quả bóng có dây buộc được trang bị pin Mặt Trời để kiểm tra công nghệ truyền dẫn vi sóng.
Những tấm pin này sẽ thu thập ánh sáng Mặt Trời và chuyển đổi năng lượng Mặt Trời thành các vi sóng sau đó bức xạ các vi sóng này về Trái Đất.
Các trạm thu trên mặt đất sẽ chuyển đổi các vi sóng này thành điện, sau đó phân phối vào lưới điện.
Vốn đầu tư ban đầu của dự án này là 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15 triệu USD) do chính quyền huyện Bích Sơn tài trợ.
Việc xây dựng trạm năng lượng sẽ kéo dài từ 1-2 năm. Kích thước và trọng lượng của trạm năng lượng hiện chưa được xác định bởi nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ.
Nếu nghiên cứu tiến triển tốt, trạm năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc sẽ được đưa vào quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 36.000km và bắt đầu phát điện trước năm 2040./.
Theo Hoàng Yến (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-xay-dung-tram-nang-luong-mat-troi-trong-khong-gian/555177.vnp