Cập nhật: 06/03/2019 15:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nông, thủy sản xuất khẩu Việt đang gặp thách thức lớn trước sự siết chặt yêu cầu của các thị trường về chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch…

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các thị trường siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đối với nông, thủy sản nhập khẩu đang đặt ra thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Gạo và chè Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu quốc gia, nhưng mức độ gia tăng giá trị xuất khẩu chưa đạt như mong muốn.

Hiện, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo).

Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Nhận diện thách thức

Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã giúp hàng nông lâm thủy sản Việt cơ bản không còn gặp trở ngại đối với các rào cản thuế quan.

Đây là lợi thế để nông sản Việt đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Tuy nhiên, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu đang đặt ra thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam đang tăng cường thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, bao bì sản phẩm.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN cũng tăng cường áp dụng các quy định ngày càng khắt khe về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu. Nhiều thị trường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất cao với các tiêu chuẩn hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường như tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Để thích ứng với thị trường, ngành nông nghiệp xác định nguyên tắc phát triển sản xuất phải tìm lợi thế ở các cấp độ sản phẩm. Sản phẩm phải thích ứng, đáp ứng xu hướng thị trường và trong sản xuất phải ứng dụng khoa học công nghệ.

“Không còn là câu chuyện sản xuất để ăn nữa mà là sản xuất để bán vào hai thị trường. Thị trường thứ nhất là nội địa có tới cả 100 triệu dân, với hơn 40% đô thị hóa có yêu cầu chất lượng cao hơn. Thị trường thứ hai là thị trường toàn cầu 7,5 tỉ dân có nhiều đòi hỏi khác nhau. Ngành nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng để phát triển. Đây là xu thế tất yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng xây dựng thương hiệu cho nông sản là hướng đi cần thiết và phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong thời gian tới.

Việt Nam đã có 2 thương hiệu quốc gia là Chè Việt Nam, được đăng ký và bảo hộ với 73 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và thương hiệu Gạo Việt Nam; Hiện đang xây dựng 2 thương hiệu quốc gia cho tôm và cá tra.

Giới chuyên gia đánh giá, xây dựng thương hiệu quốc gia là việc cần làm nhưng làm sao để duy trì và giữ vững thương hiệu quốc gia đó trên thị trường quốc tế lại quan trọng hơn nhiều.

PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế và thương hiệu thể hiện ở dạng đơn giản nhất như cà phê Việt Nam, gạo Việt Nam… Không có bất cứ hình dung nào về công ty sản xuất, chế biến, hay chỉ dẫn cụ thể nào về địa lí...

“Cách thể hiện thương hiệu này gây bất lợi cho chuỗi giá trị hàng nông sản, khiến vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chưa cao; giá trị gia tăng từ sản phẩm xuất khẩu chưa thực sự cao trong khi mức độ rủi ro rất cao đối với nhiều loại nông sản. 100 doanh nghiệp cùng xuất khẩu gạo thương hiệu chung Gạo Việt Nam, nhưng chỉ cần một lô hàng của một doanh nghiệp có “vấn đề”, sẽ gây mang tiếng cho cả thương hiệu Gạo Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Thịnh phân tích.

Theo ông Thịnh, thương hiệu không chỉ là logo, hình ảnh và khẩu hiệu rồi đem đi quảng bá mà thương hiệu là việc xây dựng lòng tin. Nông sản của Việt Nam tuy cũng có thương hiệu nhưng giá trị gia tăng lại chưa cao vì chưa tạo dựng được đủ lòng tin từ thị trường. Do đó, cần có cách tiếp cận cụ thể, quyết liệt hơn đối với việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia.

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm".

Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây.

Theo Vân Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm