Trong tháng 2, tình hình kinh tế nước ta diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với nhiều điểm nhấn đáng lưu ý. Và đặc biệt là sự thành công của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai.
Hai tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2018. Ảnh: LAM ANH
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2, buổi họp báo thường kỳ đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, diễn ra cùng ngày với phiên họp Chính phủ tháng 2-2019 và một ngày sau khi Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 vừa kết thúc tại Hà Nội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã cung cấp khá đầy đủ thông tin về phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày.
Theo Bộ trưởng, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đánh giá, tháng 2 tình hình kinh tế diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với nhiều điểm nhấn đáng lưu ý. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9%. Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số DN do thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhưng tăng 25,4% về vốn đăng ký, có hơn 10.000 DN trở lại hoạt động, tăng 48,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 9,8%, là mức tăng cao nhất của hai tháng đầu năm trong vòng ba năm trở lại đây. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 được coi là “cơ hội vàng” cho du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách quốc tế. Kết quả, trong tháng 2, khách quốc tế đạt gần 1,59 triệu lượt, tăng 5,8% so tháng trước. Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, việc Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai được tổ chức tại Hà Nội là cơ hội tuyệt vời đối với Việt Nam trên nhiều phương diện. Có thể khẳng định, với vai trò chủ nhà, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả lớn mặc dù thời gian chuẩn bị cho Hội nghị rất ngắn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 2 giảm 3,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn T.Ư giảm 35,5%. Tính chung hai tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng 0,1% (cùng kỳ năm 2018 tăng 10,1%). Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: điện thoại và linh kiện giảm 7,3% so cùng kỳ năm trước; rau quả giảm 14,4%; cà-phê giảm 26,9%; hạt điều giảm 21%; gạo giảm 17,5%; hạt tiêu giảm 20,6%...
Trước tình hình này, chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bắt đầu ngay trong tháng 3 và quý I-2019, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên. Bộ Tài chính tập trung tìm các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK), dịch vụ tài chính, hỗ trợ DN huy động trực tiếp nguồn vốn với chi phí thấp… Nhân Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa kết thúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên chương trình kế hoạch để đẩy mạnh xúc tiến, tạo mọi thuận lợi cho thu hút FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, có tổ chức quốc tế uy tín kiểm định và sớm công bố kết quả.
Cũng tại cuộc họp báo chiều 1-3, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến giải pháp xử lý với các DN sau cổ phần hóa (CPH) chậm lên sàn, giải pháp thúc đẩy hình thành sớm quỹ hưu trí tự nguyện (HTTN).
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, ngày 15-8-2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN đã CPH nhưng chưa niêm yết trên TTCK. Sau đó, Bộ đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rà soát, thống kê. Kết quả cho thấy, tính đến ngày 12-9-2018 có 152 DN đã đăng ký giao dịch, niêm yết, đạt 20,3%. Vì vậy, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 ngày 5-1-2019, trong đó có giải pháp đẩy nhanh việc niêm yết của các DN CPH như là yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu (CQĐDCSH) tiếp tục thực hiện nghiêm việc yêu cầu DN đăng ký giao dịch sau khi CPH và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Với các DN vẫn chưa niêm yết, trước hết Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCKNN thực hiện xử phạt theo quy định hiện hành. Đồng thời, kiến nghị CQĐDCSH xử lý trách nhiệm của cá nhân người đại diện vốn nhà nước tại các DN khi chưa thực hiện đúng quy định về đăng ký giao dịch và niêm yết.
Đối với vấn đề thúc đẩy hình thành quỹ HTTN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 88 năm 2016 về chương trình HTTN. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để hình thành quỹ HTTN với hai mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội và thêm nguồn vốn dài hạn cho thị trường vốn. Đây là vấn đề rất mới đòi hỏi phải thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để ban hành Thông tư hướng dẫn về thỏa ước của người lao động trong việc mua chứng chỉ quỹ, nhằm chuẩn bị các căn cứ pháp lý cần thiết cho quỹ hoạt động, cũng như xây dựng chương trình phần mềm để quản lý các tài khoản cá nhân khi giao dịch các chứng chỉ quỹ này.
Theo NGUYÊN THẢO/handan.com.vn