Cập nhật: 13/03/2019 17:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người dân tới chùa Hương để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một điểm nhấn trong hành trình di sản phía Bắc.

Lâu nay, du khách đến với chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn chỉ chủ yếu là du lịch tâm linh, đi lễ vào dịp đầu năm. Với một quần thể núi non, cảnh quan thiên nhiên đa dạng phong phú, cảnh sắc thiên nhiên từng được coi là "Nam thiên đệ nhất động" như chùa Hương hoàn toàn có thể trở thành một điểm nhấn trong hành trình di sản phía Bắc.

Hoạt động du lịch Chùa Hương ngày càng bài bản.

Ngày 25/12/2017, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là cơ hội để Chùa Hương phát huy khai thác du lịch, không chỉ có ba tháng đầu năm quần thể khu di tích Hương Sơn, mà Chùa Hương là tâm điểm, sẽ nơi hấp dẫn du khách quanh năm.

Để phát huy lợi thế du lịch, chính quyền địa phương xã Hương Sơn thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo môi trường cảnh quan, xử lý nghiêm những hoạt động tâm linh “méo mó”, chèo kéo khách... Tập huấn cho người dân kỹ năng dịch vụ du lịch mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch quần thể khu di tích Hương Sơn.

Gần đây, người dân tới chùa Hương không chỉ đi du lịch tâm linh mà còn là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên cảnh quan, núi non, sông nước hữu tình. Du khách bắt đầu quan tâm các điểm đến khác trong quần thể di tích Hương Sơn như quần thể động Tuyết Sơn, núi An Ngựa...

Anh Nguyễn Văn Hùng, ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nói: “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn có thêm những điểm du lịch vui chơi giải trí sẽ phát triển hơn. Chùa Hương quang cảnh rất đẹp phục vụ nhiệt tình mỗi năm một khác, nhưng đây là điểm đến rất hấp dẫn so với nhiều khu khác”.   

Du khách rất hài lòng khi về dự lễ hội Chùa Hương.

Hiện nay, ngoài ba tháng lễ hội chùa Hương, quần thể khu di tích Hương Sơn có thể khai thác du lịch quanh năm, đặc biệt vào mùa hoa gạo tháng 3, tháng 4, mùa sen tháng 8, tháng 9, tháng 10 là mùa hoa súng, … và du lịch khám phá hang động.

Trong tuyến đường tâm linh kết nối các di sản với chiều dài khoảng hơn 100km cổng Tam Quan, chùa Vàng, khu quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư, khu tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, chùa Tam Chúc, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, chùa Hương nằm sát khu Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam), chỉ cách 6km, được coi là tâm điểm của con đường này.

Ông Phạm Minh Tư, Trưởng Ban quản lý Đền Trình, chùa Hương cho biết: “Nếu như khu du lịch tâm linh phát triển du lịch quanh năm thì Nhà nước cần đầu tư cải tạo khu nào là khu lễ bái khu nào là khu tâm linh dể khách du lịch về thăm quan, đi chơi có nơi có chốn đâu là khu tâm linh, đâu là khu du lịch...”.

Hiện trung bình mỗi năm, chùa Hương thu hút gần 2 triệu lượt khách tới tham quan. Ngành du lịch đang đóng góp 65% tổng thu nhập toàn xã Hương Sơn, thu nhập từ dịch vụ du lịch và thu nhập khác đạt khoảng 500 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: “Hiện nay, đầu tư về hạ tầng du lịch còn chưa phát triển. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng lễ hội không chỉ ba tháng mà phải quanh năm. Chúng tôi cũng đang đề nghị quy hoạch tổng thể khoanh vùng khu du lịch tâm linh, phân khu chức năng đầu tư những khu du lịch đầm sen, câu cá, nghĩ dưỡng... thì sẽ thu hút được du khách hàng năm”.

Chùa Hương là điểm đến tâm linh và để phát triển du lịch đang rất cần một quy hoạch tổng thể, bài bản vừa giữ gìn được bản sắc, nét đẹp cổ kính hoang sơ vốn có của chùa Hương và phát huy hết tiềm năng du lịch địa phương./.

Theo Mạnh Phương/VOV.VN

Tệp đính kèm