Từ thành phố Nam Định chúng tôi đến xã Xuân Hồng (Xuân Trường) để mục sở thị Lễ hội đền Ngọc Tiên - một trong những lễ hội từ thời Hậu Lê tồn tại đến nay.
Thi nấu cơm tại Lễ hội đền Ngọc Tiên.
Trước giờ diễn ra lễ hội, không khí chuẩn bị đã được các giáp chuẩn bị tươm tất. Khắp các nẻo đường trong làng ngợp cờ lễ hội. Nhộn nhịp nhất là nhà các trưởng giáp - những người được đội tín nhiệm giao trọng trách đứng đầu chỉ đạo các hoạt động của đội mình để chuẩn bị cho các phần thi của hội làng. Làng Ngọc Tiên xưa là vùng bãi bồi ven biển thuộc trấn Sơn Nam hạ. Vào thời Hậu Lê, triều đình cử một vị tướng tài là Hoàng Văn Quảng về chiêu mộ quân sĩ, giúp dân làng Ngọc Tiên dẹp giặc trấn biên, ổn định cuộc sống.
Sau này, dân làng tôn ông lên làm Thành hoàng làng, lập đền thờ. Trong những ngày tổ chức lễ hội tâm điểm là lễ tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng thánh với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Đức Thánh tổ dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần và phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói.
Chính vì vậy, tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm làm bánh. Để bắt đầu phần thi thổi cơm và làm cỗ chay, các giáp phải trải qua hai phần thi địch thủy và địch hỏa. Chỉ khi có nước và có lửa, phần thi thổi cơm mới được bắt đầu. Ở phần thi địch thủy, mỗi giáp cử ra hai người, tay cầm một chiếc nậm nhỏ, đồng loạt chạy ra bến Cựa Gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy cho đầy nậm nước mang về đổ vào nồi đáy của chõ đồ. Ai mang nước về nhanh nhất, không làm vương vãi dọc đường là người thắng cuộc.
Ở phần thi địch hỏa, mỗi giáp vào dự thi mang theo một bộ dụng cụ gồm một thanh cái đặt cố định dưới đất được làm bằng tre bánh tẻ, đường kính khoảng 4 cm, đã tách rời làm đôi tạo kẽ hở cho mùn rơi xuống trong quá trình kéo lửa. Thanh tre khác dài, mỏng gọi là thanh con (hay thanh dao) được tạo bởi gốc cây tre già, dùng để cọ xát vào thanh cái.
Khi vào cuộc, 12 người của sáu giáp xếp thành hàng ngang, tất cả nín thở, dùng lực cọ xát hai thanh tre vào nhau tạo ra một lớp mùn mịn. Mùn cưa vón cục, gặp ma sát lớn tạo thành một đốm than hồng, người kéo lửa phải khéo hà hơi để lửa bén vào bùi nhùi rơm bùng lên thành ngọn lửa lớn. Vận động viên địch hỏa giơ cao ngọn lửa do mình tạo ra, đốt cờ lệnh báo hiệu phần thi của mình đã hoàn tất rồi cùng dân làng rước lửa về sân nấu cỗ, châm bếp bắt đầu phần thi làm bánh, thổi cơm trong tiếng hò reo cổ vũ tưng bừng. Người tham dự phần thi thổi cơm, phải phụ trách mọi công việc từ đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm, giữ lửa cho cơm chín, vừa đi vừa nấu, theo sau là cả đoàn rước khua chiêng, gõ trống tưng bừng.
Kỹ thuật địch thủy, địch hỏa, thổi cơm thi, uốn cần trúc, chọn tre già… được truyền từ đời này qua đời khác, cùng với niềm thành kính của người dân bao thế hệ, như vẫn giữ hồn vía miền đất này, để bâng khuâng mỗi ai ghé đến.
BÀI & ẢNH: VIẾT DƯ
Theo nhandan.com.vn