Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đang nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân các địa phương còn có sự đóng góp tích cực của nguồn vốn tín dụng trong việc tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Nếu như cuối năm 2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đạt hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, riêng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt hơn 8.600 tỷ đồng, đến cuối tháng 3/2019, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đã đạt con số hơn 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cuối năm 2017.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng trên địa bàn tỉnh dần tăng qua các năm và số người được thụ hưởng từ chương trình này cũng ngày càng nhiều. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất của các hộ, thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương; điều kiện sống của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới.
Mạnh Khiêm