Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch chất lượng đang là vấn đề nóng, được cả xã hội đặc biệt quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh gây ảnh hưởng đến môi trường. Trước thực trạng đó, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác đấu tranh xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.
Để phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 21 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ với tổng số tiền gần 98 triệu động.
Đặc biệt, triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 bắt đầu từ ngày 15/4/2019 đến ngày 15/5/2019, Công an tỉnh đã tiến hành rà soát, thống kê, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các đầu mối cung cấp thực phẩm, các cơ sở sơ chế, giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu... trên địa bàn tỉnh. Quá trình kiểm tra, Công an tỉnh tập trung xử lý các hành vi vi phạm đang nổi cộm, tiềm ẩn nhiều phức tạp và tập trung vào các địa bàn trọng tâm như: Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Đại Lải, các khu, cụm công nghiệp.
Ngoài sự vào cuộc đấu tranh, xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng thì người dân cần nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, trang bị kiến thức, kỹ năng nhận biết, lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình./.
Tạ Hương