Cập nhật: 07/05/2019 15:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, công nghệ 5G sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kết nối, chuyền tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới số. Công nghệ 5G có tác động tích cực đối với nhiều lĩnh vực trong xã hội, như giao thông, y tế, giáo dục… Để điều này có thể tạo ra một thế hệ in-tơ-nét mới, giúp thay đổi phương thức sản xuất, cần sớm phát triển hệ sinh thái của công nghệ 5G.

Kỹ sư của Viettel thử nghiệm công nghệ 5G.

Công nghệ 5G được thế giới đánh giá sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ cho các thiết bị di động kết nối không dây, kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, tạo ra những ứng dụng mới chưa từng có trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Với khả năng truyền dữ liệu không dây tốc độ cao, người dùng không phải chờ đợi lâu, công nghệ 5G sẽ mở ra những ứng dụng như xe tự lái, hội nghị trực tuyến… Hiện nay, bác sĩ có thể phẫu thuật bằng những cánh tay rô-bốt, nhưng khi dùng công nghệ 5G sẽ giúp bác sĩ thực hiện các thao tác tốt, chuẩn xác hơn.

Nghiên cứu của Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, công nghệ thông tin di động hiện nay đang hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các thiết bị in-tơ-nét kết nối vạn vật, đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Những thiết bị thông minh có thể sẵn sàng ứng dụng trên nền tảng công nghệ 5G, dự báo sẽ giúp các quốc gia đi đầu về công nghệ ngày càng nhiều lợi ích kinh tế khi chính thức có thông tin về phổ tần dùng cho công nghệ 5G trong năm 2019. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ 5G với một loạt tính năng mới sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối, tạo ra những thay đổi lớn, tăng dung lượng, tốc độ và tạo kết nối vạn vật, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực. Công nghệ 5G sẽ thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp về sản xuất, giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh… cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành.

Ở Việt Nam hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng mạng 5G đầu tiên tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được cấp phép. Tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 đến 700Mbps, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, mạng 5G còn nhiều thành phần cần được điều chỉnh tối ưu, như: tần số thử nghiệm, số lượng tần số, thiết bị đầu cuối, tương quan vùng phủ và vị trí phát… Các kỹ sư nghiên cứu phát triển mạng 5G của Viettel cũng đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển trạm phát sóng 5G Viettel. Bên cạnh đó, Mobifone cũng triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, hiện nay công nghệ 3G và 4G đang tồn tại song song, cho nên khi triển khai công nghệ 5G sẽ tạo ra một hệ sinh thái mạng di động. Việc phát triển một hệ sinh thái mạng di động cần sự vào cuộc của các đơn vị quản lý băng tần, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, đơn vị làm nội dung… mới đem lại nhiều hiệu quả. Đây là cơ hội cho Việt Nam, và cần sớm có các chiến lược và phương án hiệu quả để triển khai bắt kịp thế giới. Khi kết nối với các quốc gia khác thì cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân đều cần sự đột phá trong tư duy, trong cách tiếp cận công nghệ mới.

Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ, Tổng Công ty Mạng lưới (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, có năm yếu tố để tạo nên hệ sinh thái số là: các doanh nghiệp lớn phải tạo ra một hạ tầng kết nối số; phải có hạ tầng về điện toán; tạo dựng nguồn nhân lực có khả năng vận hành, khai thác tốt hệ thống công nghệ; cung cấp cho xã hội một nền tảng thanh toán điện tử tin cậy, thuận tiện; quyền riêng tư và các vấn đề an ninh mạng phải được bảo vệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về công nghệ, với tốc độ siêu nhanh, kết nối không dây mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị có ứng dụng in-tơ-nét vạn vật, mạng 5G tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh mạng để tội phạm mạng có thể truy cập, lấy cắp dữ liệu. Khi xâm nhập được, tin tặc có thể kiểm soát các dịch vụ trọng yếu, kết cấu hạ tầng, gây gián đoạn đường truyền, gây ảnh hưởng lớn về an toàn và kinh tế.

Mạng 5G đang là xu thế toàn cầu trong cuộc CMCN 4.0, do đó Việt Nam cần sớm xây dựng các tiêu chuẩn bảo mật cho mạng không dây thế hệ mới, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, dịch vụ, ứng dụng phải có các biện pháp an ninh và quyền riêng tư. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ và sử dụng công nghệ có trách nhiệm, tạo ra một môi trường in-tơ-nét lành mạnh, qua đó hướng tới sự phát triển của nền kinh tế số.

Theo NHẬT MINH/nhandan.com.vn

 

 

Tệp đính kèm