Cập nhật: 19/05/2019 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đa dạng sinh học (ĐDSH) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, duy trì nguồn gien vật nuôi, cây trồng và cung cấp các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Tuy nhiên, do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến các loài động vật, thực vật ở Việt Nam suy giảm nhanh chóng, không ít loài tuyệt chủng trong tự nhiên.

Trại nhân giống cây khoai tây sạch bệnh tại Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật, đồng thời là một trong 10 trung tâm ĐDSH phong phú nhất thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gien phong phú và đặc hữu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có gần 16.500 loài thực vật, khoảng 26 nghìn loài động vật có xương sống và không xương sống, hàng vạn các giống, chủng loại cây trồng, vật nuôi do con người thuần hóa. ĐDSH ở Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều đe dọa từ việc gia tăng dân số và khai thác quá mức tài nguyên sinh vật. Việc thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều công trình hạ tầng đã làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Đáng lo ngại, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, sự ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp lên ĐDSH của Việt Nam. Các chất thải không được xử lý, đổ trực tiếp ra môi trường làm hủy hoại môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã ở trên cạn và dưới nước... Nhiều loài động vật, thực vật suy giảm nhanh chóng và một số loài được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Điển hình như voọc mũi hếch, ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể; voọc mông trắng còn khoảng 100 cá thể, phân bố ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình). Nhiều giống vật nuôi còn rất ít trong cộng đồng, như lợn Ỉ, lợn Ba Xuyên, gà Hồ... Tê giác Java Việt Nam là một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên Trái đất đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010.

Theo TS Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn ĐDSH (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã xây dựng tiêu chí xác định các loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ; thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Đồng thời, tiến hành điều tra, nghiên cứu, giám sát các loài động vật quý, hiếm thông qua các chương trình, dự án tại một số khu bảo tồn thiên nhiên như Chương trình giám sát thú linh trưởng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Dự án giám sát quần thể voọc đầu trắng Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng)... Việt Nam đã hình thành một mạng lưới các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ của chương trình bảo tồn, lưu giữ nguồn gien động, thực vật và vi sinh vật trên cả nước. Nhờ đó, Việt Nam đã bảo tồn và phát triển một số nguồn gien đang có nguy cơ bị mất, khôi phục và bảo vệ một số nguồn gien được xác định ưu tiên, các nguồn gien đang bị giảm về số lượng trong sản xuất, nhất là một số nguồn gien quý, hiếm của một số giống gia súc, gia cầm, cây trồng, thủy sản bản địa. Thí dụ như: Viện Dược liệu (Bộ Y tế) bảo tồn tại chỗ 905 nguồn gien và bảo tồn chuyển chỗ 630 loài cây dược liệu, trong đó có 26 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã lưu giữ bảo tồn và khai thác sử dụng hơn 20 nghìn mẫu giống của gần 250 loài cây trồng. Ngoài ra, với chính sách khuyến khích gây nuôi sinh sản các loài nguy cấp, quý, hiếm như: cá sấu nước ngọt, lợn rừng, hươu sao, ba ba, rùa... cũng góp phần bảo tồn nguồn gien.

Theo các nhà khoa học, để tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn loài và nguồn gien có hiệu quả hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, phù hợp điều kiện khí hậu Việt Nam nhằm phát hiện, giám định rõ thuộc tính khoa học và giá trị của các nguồn gien, nhất là các nguồn gien quý, đặc hữu. Phân định rõ các nguồn gien quý, đặc hữu, các tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gien hiện hữu làm cơ sở cho việc quản lý, tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gien. Tăng cường bảo tồn và phát triển ĐDSH ở cả các cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gien, hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác, buôn bán trái phép tài nguyên sinh vật.

Hưởng ứng Ngày quốc tế ĐDSH (22-5) năm 2019, có chủ đề “ĐDSH của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”, Bộ TN và MT đã có văn bản đề nghị các cơ quan, ban, ngành địa phương trên cả nước tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH, trong đó chú trọng các nội dung về bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây, con dược liệu và các tri thức truyền thống liên quan; khai thác bền vững tài nguyên sinh học. Phát động các phong trào bảo tồn ĐDSH tại tỉnh, thành phố; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm; ưu tiên bảo vệ, thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH gắn với hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo KHÁNH HUY/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm