Cập nhật: 20/05/2019 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương. Việc vươn ra biển đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia. Khu vực Biển Đông có vị trí địa - kinh tế - chính trị rất quan trọng. Trong tương lai, kinh tế biển sẽ là một ngành then chốt của nền kinh tế quốc dân.

Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu Việt Nam sẽ đạt khoảng từ 6,8-7,5 triệu tấn. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, đến hết năm 2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.128 chiếc) với tổng dung tích 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT.

Năm 2018, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, số lượng tàu hàng tổng hợp có 819 tàu, chiếm hơn 72,6%; tàu chở hàng rời có 99 tàu, chiếm 8,7%; tàu chở dầu (166 tàu) và chuyên dụng khí hóa lỏng (150 tàu) chiếm 14,4%; đội tàu container có 41 tàu, chiếm 3,6%.

Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải. Đội tàu Việt Nam hiện đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng…

Tỷ trọng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển của phương tiện thủy nội địa đã tăng 11,5% trong giai đoạn 2016-2018. Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.

TS Trịnh Thế Cường (Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT)  cho TTXVN biết, mặc dù phát triển như vậy, nhưng khả năng kết nối giữa hàng hải và đường thủy nội địa hiện vẫn chưa được phát huy tương xứng. Đó là do thiếu các bến cảng chuyên dùng phục vụ cho việc kết nối; chiều cao tĩnh không của cầu, đường trên sông ảnh hưởng khả năng khai thác đường thủy; sự không đồng bộ giữa năng lực khai thác cảng thủy nội địa và cảng biển cả về trang thiết bị bốc dỡ, kho bãi…

Lĩnh vực mũi nhọn của Chiến lược biển

Ngày 15/6/2015, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Quyết định số 490 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020”. Đến nay, hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện như: Phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu đạt khoảng từ 6,8-7,5 triệu DWT; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu vận tải biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tuyến quốc tế, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc-Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu, ga, khí hóa lỏng, xi măng...

Vận tải biển cũng đã nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25-30%; phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa là 21,25%, vận tải hành khách là 0,07% so với khối lượng vận tải toàn ngành GTVT.

Bến cảng Cái Mép Thị Vải được đầu tư hiện đại để tiếp nhận các tàu container lớn nhất hiện nay

Việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020” cũng góp phần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, đổi mới thể chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đội tàu biển.

Đến nay, hầu hết mục tiêu phát triển ngành hàng hải trong chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 đã cơ bản được triển khai và hoàn thành. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện -Hải Phòng (giai đoạn khởi động) đã hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2018 với quy mô tiếp nhận tàu 80.000 - 100.000 tấn; bến cảng Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đầu tư hiện đại để tiếp nhận các tàu container lớn nhất hiện nay, góp phần đưa cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi hàng hải toàn cầu.

Các cảng biển trên cả nước trong giai đoạn 2011-2018 đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp, hầu hết những cảng biển tổng hợp loại 1 của quốc gia có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 tấn trở lên. Một số dự án cảng hành khách quốc tế chuyên dùng đầu tiên cũng đã được triển khai đầu tư tại Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang). Các bến cảng chuyên dùng phục vụ các trung tâm công nghiệp lớn trên cả nước như Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Vĩnh Tân... đã đưa vào vận hành, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế ven biển và thu hút đầu tư. Luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu đã hoàn thành, đáp ứng quy mô cho tàu trọng tải từ 10.000-20.000 tấn.

Ông Cường nhận định, phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước là điều cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế, làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển.

Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá.

Cụ thể là “Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”. Như vậy, vai trò của kinh tế biển, trong đó có kinh tế hàng hải ngày càng trở nên quan trọng và được xác định là lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên phát triển./.

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm