Cập nhật: 27/05/2019 15:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chăn nuôi đại gia súc là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới.

Thăm mô hình chăn nuôi bò thịt theo quy mô công nghiệp của Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hôm nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chăn nuôi đại gia súc là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại về chăn nuôi ở nhiều địa phương và sự mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại tỉnh Hòa Bình.

Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trang trại sản xuất bò giống chất lượng cao của công ty T&T Hòa Bình triển khai tại xã Yên Mông có quy mô 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò, trâu nuôi vỗ béo.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự án, đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang nuôi 900 con bò thịt, 500 con bò Wagyu giống (giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới), và 500 bò lai sinh sản, trong đó đã hình thành chuỗi liên kết với 10.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết trong chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt.

Trong giai đoạn 1, doanh nghiệp đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng hoàn chỉnh chuỗi liên kết chăn nuôi theo mô hình Trang trại nông hộ với Trang trại vùng lõi của doanh nghiệp có sự tham của chính quyền, hộ dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Khu nuôi giống bò Tây Á lấy thịt.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp khép kín của tỉnh đã và đang đi đúng hướng trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bởi nếu làm tốt điều này không những góp phần ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi mà còn tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi đã và đang chịu thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi chuyển hướng sang đối tượng nuôi mới là gia súc ăn cỏ, giải quyết bài toán khan hiếm thực phẩm cuối năm nay.

Thăm khu xử lý phụ phẩm nông nghiệp bằng công nghệ sinh học.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng "Chúng ta mong muốn có 1 đối tượng sản xuất mới nhưng làm phải chắc chắn và chặt chẽ không thể biến từ việc này thành 1 nguy cơ rủi ro khác, nhất là sản xuất không có liên kết, dẫn đến dịch bệnh, đầu ra tiêu thụ và các nguy cơ rủi ro khác".

"Cần xây dựng được những mô hình từ những mô hình này để thúc đẩy tiềm năng phát triển chăn nuôi đối tượng đại gia súc. Trước mắt là để thích ứng với dịch tả lợn Châu Phi nhưng về lâu dài đây là một hướng chủ đạo trong thay đổi cục diện chiến lược ngành chăn nuôi của Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Minh Long/VOV.VN

Tệp đính kèm