Với những toan tính riêng và lợi ích khác biệt, cuộc gặp “hiếm có” Nga-Mỹ-Israel liệu có tìm được tiếng nói chung về Iran?
Khi các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu đến từ Nga, Israel và Mỹ gặp nhau tại một hội nghị 3 bên hiếm có ngày 24/6 này, chủ đề của cuộc thảo luận sẽ xoay quanh một quốc gia không có mặt tại đây: Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Ảnh: Getty
Giữa căng thẳng khu vực leo thang, cuộc gặp này là một cơ hội quan trọng để thảo luận về tương lai hiện diện của Iran ở Syria khi cuộc nội chiến 8 năm ở quốc gia Trung Đông này dần ngã ngũ.
Nga muốn tiếp tục duy trì quyền lực ở Trung Đông qua đồng minh là Tổng thống Syria Bashar al-Assad và muốn kiềm chế Iran cạnh tranh ảnh hưởng tại quốc gia này. Tuy nhiên, Israel và Mỹ thì lại có những toan tính riêng về tương lai của Iran khiến những nỗ lực đạt được một thỏa thuận chung trở nên khó khăn hơn.
"Nếu chúng ta thảo luận về Syria, Nga sẽ muốn làm giảm vai trò của Iran tại đây và điều đó cũng đem lại lợi ích cho Mỹ. Vấn đề là ở một khía cạnh nào đó những điều Nga sẵn sàng làm không phải là làm hài lòng Mỹ - quốc gia muốn Iran hoàn toàn rút khỏi Syria", Nikolay Kozhanov, một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học European tại St.Peterburg nhận định.
Thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước thềm hội nghị, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Iran đang tăng cường các hành động gây hấn ở Trung Đông và sản xuất vũ khí hạt nhân.
"Iran hay bất kỳ kẻ thù nào khác không nên coi sự thận trọng và tính toán kỹ lưỡng của Mỹ là một sự yếu đuối". ông Bolton khẳng định, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump hủy các cuộc không kích hồi tuần trước sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Thay vào đó, Tổng thống Trump kiên quyết sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt lên Iran ngày 24/6 này sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên quốc gia này.
Trong khi đó, Nga có những toan tính riêng với Iran khi cho rằng cuộc gặp sẽ tập trung vào việc ổn định tình hình Syria, bao gồm có việc tái thiết đất nước này sau nội chiến. Người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhận định ngày 20/6 rằng: "Iran hiện diện ở Syria theo lời mời của một chính phủ hợp pháp và tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố, nên dĩ nhiên chúng tôi sẽ tính tới các lợi ích của quốc gia này".
Trước thềm cuộc gặp, một số nhà quan sát cho rằng hội nghị Nga-Mỹ-Israel sẽ đạt được thỏa thuận với một số nhượng bộ đến từ Nga và Mỹ. Chẳng hạn như Mỹ sẽ công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Assad hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga trong khi đổi lại Nga sẽ loại bỏ ảnh hưởng của Iran tại Syria.
Israel tiến hành nhiều cuộc không kích vào các mục tiêu của Iran ở Syria trong những năm qua sẽ quan tâm đến việc Iran rời khỏi quốc gia này hơn là lật đổ Tổng thống Assad.
Kết quả tối thiểu nhất mà hội nghị Nga-Mỹ-Israel có thể đạt được là các bên sẽ tăng cường các kênh đối thoại với nhau hoặc Nga tiếp tục "im lặng" trước các cuộc không kích của Israel.
Theo Kiều Anh/VOV.VN