Xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh và nhiệt phân tái chế rác nilon được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả xử lý chất thải ở các khu đô thị và nông thôn.
Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Tại hội thảo Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh và nhiệt phân tái chế rác nilon kết hợp đốt tiêu hủy do Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Mới (Newtech) giới thiệu, được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả xử lý chất thải, đặc biệt là ở các khu đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Newtech cho biết, trong thời gian học ở Cộng hòa Liên bang Đức, ông nhận thấy toàn bộ rác hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ vi sinh sử dụng cho nông nghiệp, những loại rác polyme như nhựa và nilon được nhiệt phân để thu hồi các sản phẩm hóa dầu và phần rác phải đem đốt rất ít.
Người Đức đã có kinh nghiệm xử lý rác lâu đời và đạt hiệu quả cao, do đó Newtech kết hợp các công nghệ trên thành giải pháp công nghệ để xử lý dựa trên đặc tính của chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam.
Giải pháp công nghệ của Newtech có nhiều ưu điểm như xử lý nhanh gọn rác về trong ngày, quá trình xử lý không phát sinh mùi hôi và ruồi muỗi, tái sử dụng được nước rỉ rác, không cần sục khí trong quá trình ủ, quá trình nhiệt phân rác nilon gần như không phát sinh ra dioxin và lượng rác cần phải đốt chỉ còn khoảng 30-35%.
Bên cạnh đó giải pháp công nghệ còn tạo được nhiều sản phẩm như phân hữu cơ vi sinh, dầu và than; đạt tỷ lệ thu hồi sản phẩm đến 35% tạo được hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại giải pháp công nghệ của Newtech đã được áp dụng ở Tây Ninh, Bình Phước, Quãng Ngãi và Đồng Nai.
Các đơn vị xử lý bước đầu đã đạt được hiệu quả môi trường cao và đang tiếp tục cải tạo để áp dụng hoàn chỉnh giải pháp công nghệ này.
Chất thải rắn sinh hoạt đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường ở cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Việc không xử lý hoặc xử lý chất thải rắn sinh hoạt không triệt để đã làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí gây nhiều bức xúc cho người dân và lãng phí nhiều nguồn vốn của nhà nước để khắc phục hậu quả ô nhiễm tồn lưu.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, hiện có khoảng 300 đơn vị hành chính cấp huyện có số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 30-50 tấn/ngày chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.
Những khó khăn như thiếu nguồn vốn, ít quỹ đất và đơn giá xử lý thấp là yếu tố cản trở việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở quy mô đại trà.
Bên cạnh đó để xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt cần phải có một giải pháp công nghệ tổng thể phù hợp với từng điều kiện địa phương và có hiệu quả về môi trường cao, đặc biệt là suất đầu tư thấp và có hiệu quả kinh tế cao giúp các địa phương triển khai đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa.
Công nghệ chôn lấp phần lớn đang được áp dụng ở các địa phương là công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp và lãng phí quỹ đất.
Trong khi đó, phong trào áp dụng công nghệ ủ phân compost (phân hữu cơ) từ hơn 10 năm trước hầu như chứng minh hiệu quả đạt được là rất thấp.
Các công nghệ khác như khí hóa phát điện hoặc đốt phát điện là công nghệ hiện đại có thể áp dụng tốt cho các đô thị lớn có nguồn ngân sách dồi dào nhưng lại không áp dụng được cho khu vực nông thôn và đô thị nhỏ.
Vài năm trở lại đây nhiều địa phương áp dụng công nghệ đốt tiêu hủy nhưng việc đốt toàn bộ rác nilon thì nguy cơ phát thải ra dioxin là rất cao.
Thời gian qua nhiều dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả thấp, nên nhiều chủ đầu tư và địa phương còn nhiều hoài nghi về các giải pháp công nghệ.
Bởi vậy, Newtech phải nỗ lực hỗ trợ tối đa cho các đơn vị xử lý và các địa phương để đảm bảo đạt hiệu quả cao trong quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Với ưu điểm suất đầu tư thấp, sử dụng ít quỹ đất và chi phí vận hành thấp nhưng vẫn đạt hiệu quả môi trường, kinh tế cao, nên giải pháp công nghệ Newtech phù hợp điều kiện với nhiều địa phương và nhà đầu tư trong nước.
Thời gian tới, giải pháp công nghệ Newtech sẽ được triển khai đại trà tại các dự án ở khu vực nông thôn (<250 tấn/ngày) và các đô thị nhỏ (<400 tấn/ngày).
Đồng thời, Newtech sẽ đề nghị Văn phòng Nông thôn mới Trung ương hỗ trợ kết nối các đơn vị xử lý với người nông dân, giúp người nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh có chất lượng tốt với giá thành thấp và các đơn vị xử lý ổn định được nguồn tiêu thụ phân hữu cơ vi sinh.
Nhà nước nên xem ngành xử lý môi trường là một ngành kinh tế, theo đó cần có khung pháp lý thống nhất và cơ chế chính sách ưu đãi để thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Vì một số địa phương vẫn còn tư duy theo cơ chế “xin-cho”, đây là rào cản không nhỏ khiến các nhà đầu tư khó triển khai thực hiện.
Do đó, cần tạo cơ chế thị trường cạnh tranh công bằng, minh bạch chắc chắn các nhà đầu tư sẽ quan tâm và đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Có như vậy chất thải rắn sinh hoạt mới được xử lý triệt để và đại trà, đáp ứng được mong mỏi của người dân./.
Theo Nhật Minh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-rac-thai-ran-sinh-hoat-bang-cong-nghe-u-phan-huu-co-vi-sinh/578824.vnp