Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố sẽ không áp thuế bổ sung với hàng Trung Quốc, làm giảm căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định của ông Trump, tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyết định này cũng sẽ có có một số tác động nhất định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 năm 2019. Ảnh: Time Magazine.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thống nhất tiếp tục đàm phán, khơi lại hy vọng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Quyết định này đã khiến nhiều người kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm được khởi động lại sau 2 tháng gián đoạn khiến Tổng thống Trump gia tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và trừng phạt Tập đoàn viễn thông Huawei của nước này.
Tổng thống Trump đã đồng ý chưa áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc và cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán thiết bị không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cho Tập đoàn Huawei, đổi lại, Trung Quốc sẽ mua nhiều hơn nông sản của Mỹ. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định tình trạng đình chiến này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Mang lại lợi ích cho một số bên Trung Quốc
Trung Quốc đã đạt được một số nhượng bộ từ Mỹ. Tổng thống Trump đã đồng ý chưa đánh thuế đối với 300 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc trong khi hai nước tiếp tục đàm phán. Ông Trump cũng đồng ý cho các hãng công nghệ Mỹ được tiếp tục bán thiết bị cho Tập đoàn Huawei. Nếu thiếu các thiết bị của Mỹ, tương lai của tập đoàn này sẽ vô cùng ảm đạm. Trung Quốc đồng ý tiếp tục mua một số nông sản của Mỹ mặc dù chưa biết giá trị là bao nhiêu.
Các tập đoàn bán lẻ của Mỹ
Các tập đoàn bán lẻ của Mỹ bao gồm Walmart, Target và Amazon đều thở phào khi Tổng thống Trump chưa áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó có điện thoại thông minh, các sản phẩm cho trẻ em và giầy dép. Quyết định này đã mang lại lợi ích lớn cho các tập đoàn bán lẻ Mỹ khi các hãng này thường nhập khẩu một số lượng hàng lớn cho các dịp mua sắm lớn từ tháng 7 tới tháng 9 tại Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ
Các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump hiện nay khiến mỗi gia đình 4 người ở Mỹ phải chi thêm 800 USD/năm. Trong trường hợp ông Trump đánh thuế bổ sung đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, con số này có thể tăng lên mức hơn 1.800 USD/năm.
Chính quyền Mỹ đã cáo buộc Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã sử dụng các thiết bị điện thoại và một số sản phẩm khác của hãng này nhằm theo dõi người dân Mỹ. Do đó, Bộ Thương mại Mỹ đã giới hạn các công ty Mỹ giao thương với Huawei. Tổng thống Trump đã nới lỏng lệnh cấm và cho phép các công ty Mỹ tiếp tục được cung cấp thiết bị cho Huawei nếu không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đây có thể coi là một thắng lợi lớn đối với Huawei khi quyết định của ông Trump đã bỏ qua ý kiến của các cố vấn và thậm chí các thượng nghị sỹ Cộng hòa. Điều đó cũng có nghĩa ông Trump muốn biến Huawei thành một phần của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, điều mà Trung Quốc cũng muốn, tuy nhiên các cố vấn của ông Trump muốn tách riêng điều này vì cho rằng giao thương với Huawei sẽ là mối lo ngại đối với an ninh quốc gia.
Phố Wall
Thị trường chứng khoán đã tăng điểm với chỉ số Dow Jones ở mức tốt nhất trong tháng 6 kể từ năm 1938. Các nhà đầu tư phố Wall đã kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ tái khởi động đàm phán thương mại với Trung Quốc và điều này đã xảy ra. Các nhà đầu tư cũng ca ngợi thông báo của Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ giảm mức lãi suất nếu cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực sự gây ra tác động tiêu cực.
Quyết định của Tổng thống Trump vẫn có thể sẽ vấp phải chỉ trích trong nước. Những người lo ngại về tầm ảnh hưởng đang gia tăng cũng như các thách thức về kinh tế và an quốc gia của Trung Quốc đối với Mỹ sẽ không hài lòng với thỏa thuận đình chiến thương mại giữa hai nước. Những người này bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, người mà báo chí Trung Quốc coi là cổ vũ cho thù hận. Ông Pompeo là một trong những người ủng hộ trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc. Ngoài ra còn có Cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, Peter Navarro, và một loạt các thành viên quốc hội Mỹ, cả Dân chủ và Cộng hòa. Các cá nhân này từng cảnh bảo Tổng thống Trump đã để lộ điểm yếu trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là về Huawei. Những người này có thể sẽ chỉ trích quyết định của ông Trump đã nới lỏng trừng phạt đối với Huawei như một phần của đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Các ứng cử viên Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 luôn tìm cách chỉ trích Tổng thống Donald Trump trong lĩnh vực thương mại và cho rằng các biện pháp thuế quan của ông đã đi nhầm hướng khi người dân Mỹ sẽ phải chịu chi phí giá thành sản phẩm cao hơn.
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, tương lai chưa rõ ràng
Tổng thống Trump đã tái khởi động đàm phán thương mại với Trung Quốc, điều sẽ giúp thúc đẩy thị trường và nền kinh tế Mỹ trong chiến dịch tái tranh cử của ông. Tuy nhiên, ông Trump cũng nhượng bộ nhiều đối với Trung Quốc. Ông Trump đã rút lại đe dọa đánh thuế, điều mà Trung Quốc, châu Âu và một số quốc gia lớn có thể sẽ quên khi các cuộc đàm phán thương mại tiếp tục diễn ra trên toàn cầu. Có khả năng Tổng thống Trump sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc khi cũng đạt được một số nhượng bộ từ Chủ tịch Tập Cận Bình, tuy nhiên, tại vòng đối thoại này, ông Trump đã tỏ ra hào hứng hợp tác với phía Trung Quốc.
Mặc dù nhiều người chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với các cuộc đàm phán với Trung Quốc, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc cần cải cách mạnh mẽ nền kinh tế và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định làm giảm căng thẳng của Tổng thống Trump có đạt được một thỏa thuận buộc Trung Quốc phải thực hiện các thay đổi mà Mỹ yêu cầu hay không, đặc biệt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “các cuộc đàm phán phải công bằng và tôn trọng lẫn nhau”.
Theo PV/VOV.VN