Mặc dù đời sống, sinh hoạt, công tác ở nơi đảo xa còn nhiều thiếu thốn, nhưng quân và dân trên các đảo nổi, đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vẫn dành dụm từng bát nước ngọt, viên thuốc chữa bệnh và mớ rau xanh để giúp ngư dân. Những điều ấy đã góp phần động viên và là điểm tựa để các ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Tàu cá ngư dân vào tránh bão tại âu tàu xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Đến công tác tại xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa khi mặt trời vừa đứng bóng; từ cầu cảng, có thể nhìn thấy rất nhiều tàu cá ngư dân đang neo đậu sau một đêm vươn khơi đánh bắt hải sản. Trung tá Ðậu Ðình Dân, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: Năm nào cũng vậy, bộ đội và người dân trên đảo đều được đón hàng trăm lượt tàu thuyền của ngư dân ra đây đánh bắt hải sản. Do cá ở vùng biển này nhiều, các tàu của ngư dân ra đây đánh bắt thường có cá đầy khoang, lại được bộ đội hải quân bảo vệ, hướng dẫn, giúp đỡ; trong đó nhiều ngư dân khi đi biển bị ốm đau, tai nạn đều được các y sĩ, bác sĩ bệnh xá trên đảo kịp thời cứu chữa, vì thế các ngư dân rất phấn khởi, yên tâm.
Cùng các thành viên đoàn công tác đến thăm, động viên ngư dân bị nạn đang điều trị tại bệnh xá của đảo Song Tử Tây, chúng tôi gặp ngư dân Lê Hoàng Long, quê ở tỉnh Khánh Hòa, mới bị tai nạn vào đây điều trị được hơn ba ngày. Nằm trên giường bệnh, anh Long kể: “Tàu của chúng tôi đang trong hành trình đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa, mải lặn sâu để bắt cá cho nên tôi bị giảm áp, có biểu hiện khó thở, người mệt mỏi, hai chân đau nhức, không đi lại được. Các ngư dân trên tàu đã phát tín hiệu cấp cứu và được bộ đội hải quân trên đảo có mặt kịp thời để chuyển tôi lên tàu, rồi đưa vào đây cấp cứu, điều trị. Tại bệnh xá của đảo, tôi được các thầy thuốc quân y chăm sóc, điều trị tận tình như người thân trong gia đình, cho nên bây giờ sức khỏe của tôi đã bình phục hoàn toàn. Ði biển đánh bắt hải sản tuy xa bờ, nhưng tôi cùng các ngư dân luôn yên tâm, tin tưởng vào sự hướng dẫn, giúp đỡ của bộ đội trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nói riêng, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng hải quân nói chung”.
Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ tàu cá ra vào tránh, trú bão. Ðồng thời, tiến hành sửa chữa, tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho ngư dân. Trung tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, quân và dân trên đảo đã tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ cho gần 300 lượt tàu cá của ngư dân ra, vào âu tàu của đảo để tránh, trú bão. Sửa chữa máy tàu miễn phí cho gần 40 lượt tàu cá, với hơn 150 ngày công; tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho hàng trăm lượt tàu cá; tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần 400 lượt ngư dân, trong đó cấp cứu, phẫu thuật 58 ngư dân bị tai nạn.
Trong hành trình đến các đảo nổi, đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa, chúng tôi cùng các thành viên trong đoàn công tác được nghe chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thông tin về kết quả, kể những câu chuyện cảm động trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn, với tinh thần tất cả vì ngư dân, xuất phát từ tình cảm, trái tim của những người lính biển. Qua đó, góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ hải quân” trong lòng nhân dân, tạo nên sức mạnh phòng thủ vững chắc của quân và dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo nhandan.com.vn