Phát huy lợi thế của những làng biển truyền thống, đồng thời đầu tư đóng tàu lớn, vươn khơi xa, kết hợp với đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản, hải sản, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang nỗ lực phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Khu neo đậu Quỳnh Lập.
Những chuyến tàu “cá bạc đầy khoang”
Phía bắc dòng Mai Giang là làng biển Quỳnh Lập - nơi tiếp giáp với huyện Nghi Sơn (Thanh Hóa). Những nhà cao tầng san sát, đã phần nào nói lên sự trù phú của làng biển nơi chân sóng này. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm làng biển, Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Lập Phan Văn Hải vừa giới thiệu: “Tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, của địa phương cùng nỗ lực của ngư dân, làng biển chúng tôi đã đóng được nhiều tàu to thay thế thuyền nhỏ để vươn khơi xa”. Đến nay xã Quỳnh Lập có hơn 150 tàu đánh cá các loại thì có đến 140 chiếc có công suất từ 90 CV đến 1.000 CV. Trong số này, 32 tàu đóng theo Nghị định 67/CP và Nghị định 17/CP; số còn lại là do ngư dân góp tiền cùng nhau đóng mới. Nhờ có tàu to, ngư dân Quỳnh Lập đã vươn ra các vùng biển xa, có nhiều hải sản như vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa… để đánh bắt. Xã Quỳnh Lập đã thành lập được 17 tổ đoàn kết, mỗi tổ có từ sáu đến 10 tàu để hỗ trợ nhau làm ăn trên biển. Các tàu xa bờ hầu như chuyến biển nào cũng “cá bạc đầy khoang”. Theo thống kê chưa đầy đủ, gần một nửa số tàu của Quỳnh Lập cho thu nhập khá. Tiêu biểu như tàu của anh Nguyễn Hữu Duy ở xóm Rồng; anh Nguyễn Hữu Thành xóm Đồng Tiến, anh Phan Văn Hải xóm Hợp Tiến… với thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/tháng; không ít tàu đạt doanh thu một tỷ đồng/tháng. Trừ một số tàu gặp rủi ro, phần lớn đội tàu xa bờ của xã Quỳnh Lập đều làm ăn khá hiệu quả, trả nợ ngân hàng theo đúng cam kết.
Phía nam sông Mai Giang là những làng biển trù phú Quỳnh Phương, Quỳnh Dị. Những làng biển này cũng đầu tư trang bị các đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, để đua cùng khơi xa với tàu của Quỳnh Lập.
Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Võ Văn Dũng cho biết: Tuy chỉ có hơn 18 km bờ biển và có một cửa lạch ra vào nhưng địa phương đã biết khơi dậy truyền thống của các làng biển nổi tiếng như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Dị…, trong đó điểm nhấn là đóng tàu lớn vươn khơi xa. Ngay sau khi thành lập, thị xã Hoàng Mai đã ra Nghị quyết và Đề án phát triển kinh tế biển (giai đoạn 2014 - 2015, tính đến năm 2020) để thu hút các nguồn lực vào kinh tế biển, trong đó ưu tiên phát triển đội tàu xa bờ. Đến nay, chỉ sau 5 năm, thị xã Hoàng Mai đã phát triển được 443 tàu xa bờ từ 90 CV đến 1.000 CV, chiếm 48,5% tổng số tàu của toàn thị xã; với tổng công suất máy 183.570 CV, tăng hơn hai lần so với năm 2014 và vượt 45,6% so với chỉ tiêu năm 2020 của đề án. Số tàu công suất nhỏ giảm 133 chiếc. Hoàng Mai đã thành lập được 126 tổ, đội khai thác hải sản xa bờ để cùng nhau hỗ trợ đánh bắt ở vùng biển xa, nơi có ngư trường giàu hải sản. Trong năm 2018, thị xã Hoàng Mai đã có 157 lượt tàu đi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, chiếm gần 85% lượt tàu toàn tỉnh đi đánh bắt ở vùng biển này. Nhờ phát triển đội tàu xa bờ với thiết bị đánh bắt hiện đại cho nên sản lượng và giá trị hải sản khai thác đều tăng và đã vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo cũng luôn được quan tâm.
Thị xã Hoàng Mai còn tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó đã đưa vào hoạt động cảng cá Quỳnh Phương (tổng vốn đầu tư 65 tỷ đồng) và khu neo đậu Quỳnh Lập. Thị xã còn phát triển được 12 xưởng đóng tàu, trong đó có hai xưởng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đủ năng lực đóng tàu trên 800 CV theo Nghị định 67/CP. Năm 2018, hai xưởng này đã đóng mới 13 tàu công suất trên 800 CV, sửa chữa 32 tàu các loại. Hệ thống các cơ sở cơ khí, sửa chữa máy tàu, đá lạnh, cung cấp xăng dầu, ngư lưới cụ, thiết bị an toàn hàng hải, hệ thống kho lạnh… cơ bản đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Nhiều mô hình nuôi trồng, chế biến hiệu quả cao
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai Đàm Hữu Hồng dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi trồng thủy sản và cho biết: Hoàng Mai là địa phương có truyền thống và dẫn đầu tỉnh trong phát triển nuôi trồng thủy sản, hải sản. Hiện thị xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 1.022 ha, trong đó diện tích nuôi tôm hơn 500 ha. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm trong nhà kính, nhà lưới cho năng suất 30 tấn đến 40 tấn/ha. Tổng sản lượng tôm nuôi năm 2018 đạt 2.520 tấn, tăng gần 70% so với năm 2014; năm 2019 ước đạt 2.800 tấn. Nhiều hộ đã kết hợp nuôi tôm với nuôi cá mú, cá chẽm… nhằm giảm rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích nuôi trồng. Ngoài ra, thị xã có chín cơ sở sản xuất tôm giống, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 650 triệu con đến 700 triệu con giống sạch bệnh cùng với hàng triệu cua và cá giống các loại.
Nhờ chính sách khuyến khích của thị xã, gần đây các làng biển phát triển khá rầm rộ mô hình chế biến thủy sản, tạo dựng thương hiệu Hải sản Hoàng Mai. Dọc hai bên đường từ Quỳnh Dị xuống Quỳnh Phương xuất hiện nhiều cơ sở chế biến hấp sấy cá cơm, cá nục các loại để bán trong nước và xuất khẩu. Tại các làng biển, người dân thi đua chế biến cá thu nướng, mực một nắng, mực khô… đáp ứng nhu cầu của thị trường các tỉnh phía bắc. Các doanh nghiệp Phương Mai, HTX Đoàn Kết… đầu tư nhà xưởng, thiết bị chế biến hải sản, hằng năm sản xuất và xuất khẩu hàng nghìn tấn sản phẩm hải sản. Nghề sản xuất nước mắm gia truyền được người dân chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, tiếp thị. Mỗi năm Hoàng Mai sản xuất khoảng 7 triệu lít đến 8 triệu lít nước mắm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, làng nghề Phú Lợi mỗi năm sản xuất và tiêu thụ gần ba triệu lít nước mắm với thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị nổi tiếng. Để ổn định giá thu mua và tiêu thụ hải sản đánh bắt, thị xã đã động viên các tư thương đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hơn 70 kho lạnh, công suất 50 tấn đến 100 tấn/kho, thay thế hệ thống kho công suất dưới 20 tấn.
Để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, thị xã Hoàng Mai vẫn đang đối diện không ít khó khăn. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Hoàng Mai Hoàng Ngọc Thủy thừa nhận, nhìn chung quy mô kinh tế biển vẫn còn nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng; phương thức khai thác vẫn lạc hậu, đầu tư manh mún. Môi trường vùng nuôi tôm bị ô nhiễm; công nghệ chế biến thủy, hải sản còn thủ công; hạ tầng kỹ thuật như cầu cảng, bến cá... còn yếu. Đây là những vấn đề cần sớm khắc phục để kinh tế biển của Hoàng Mai phát triển bền vững, đóng góp thiết thực vào quá trình nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nơi đây.
BÀI VÀ ẢNH: THÀNH CHÂU
Theo nhandan.com.vn