Cập nhật: 22/07/2019 09:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hai lần nhà giàn đổ do bão tố đánh sập, một lần tàu chìm sau trận cuồng phong đã cuốn xuống biển sâu 10 cán bộ chiến sĩ. Phía sau hy sinh của mỗi chiến sĩ, gắn liền với những câu chuyện đời, chuyện tình người lính xúc động. Các anh đã ngã xuống giữa lòng biển mẹ để nhà giàn mãi mãi trường tồn.

Viếng các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập DK1, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chúng tôi vượt sóng đến các nhà giàn để thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Cuộc hải trình bắt đầu từ Vũng Tàu đến bãi cạn Tư Chính, nơi mà 27 năm về trước, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã nằm lại nơi này. Câu chuyện tàu HQ-666 bị nhấn chìm trong cơn lốc nửa đêm tháng 1.1991 được Trung tá Nguyễn Tiến Cường kể lại khá tường tận.

Không thể quên

Anh Cường bảo, “cuộc đời người lính trong thời bình cũng có nhiều gian nan khó nhọc. Cái ngày tôi chỉ huy con tàu HQ-666 đi trực ở nhà giàn 1B bãi cạn Tư Chính thì không thể quên được. Cơn bão ngày ấy đã cướp đi 2 đồng đội, đó là thuyền phó quân sự Phạm Tảo và trung úy chuyên nghiệp máy trưởng Lê Tiến Cường”.

Tháng Chạp năm 1991, đại úy Hoàng Văn Tuyên nhận mệnh lệnh cấp trên hành trình cho tàu đi trực nhà giàn 1B ở khu vực bãi cạn Tư Chính. Sau hơn 2 ngày đêm hải trình, tàu HQ-666 thả neo bên cạnh nhà giàn. Những ngày giáp Tết, gió mùa đông bắc thổi về liên tục làm cho biển mịt mù trắng xóa, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên, ngụp xuống trong sóng dữ. Đêm 23 tháng Chạp, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-666 mổ lợn đón Tết sớm. Chiếc đầu lợn đặt giữa khoang lái, anh em tập trung khấn vái thần linh theo phong tục của người đi biển. Lúc 22h30, trong khi mọi người bê đồ cúng ông Táo xuống, chiến sĩ quan sát báo cáo, gió thổi mạnh, thời tiết bất thường. Tất cả mọi người đổ ào ra lan can nhìn về phía Bắc. Trời tối đen như mực, sóng gió bất ngờ nổi lên ầm ầm, biển động dữ dội, tàu chao đảo. Những cơn sóng từ lòng biển cuộn lên mỗi lúc một lớn.

Thuyền trưởng Tuyên lệnh báo động khẩn cấp, tàu cơ động chống sóng, sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Con tàu quá bé nhỏ so với những cột sóng cao hàng chục mét cứ lừng lững liên tiếp đổ ập xuống khoang tàu. Sức mạnh khủng khiếp của sóng đã đánh tan hệ thống tay vịn lan can của tàu quăng xuống biển. Sau hơn 3 giờ chống chọi, tàu HQ-666 nghiêng lệch một bên, nước bắt đầu tràn vào các khoang giữa. Tình huống vô cùng bất lợi. Thuyền trưởng Tuyên trực tiếp liên lạc với nhà giàn 1B yêu cầu thả dây mồi, lệnh thả phao bè và rời tàu. Sau khi xuống phao bè, bằng mọi cách bơi về phía nhà giàn 1B, chờ tàu đến cứu.

Nhà giàn DK1 vững vàng trong sóng gió qua ô cửa tàu

Trong sóng to gió lớn, các chiến sĩ lao xuống biển, bám vào phao bè, dùng tay làm mái chèo bơi vào hướng nhà giàn 1B, nhưng sóng lớn, nước chảy xiết, chiếc phao bè nhỏ bé trôi xa dần. Tình huống nguy kịch. Không thể chết, phải nhanh chóng bằng mọi cách vớt được đầu dây mồi thả xuống từ nhà giàn 1B. Nghĩ vậy, thuyền phó quân sự Phạm Tảo đã lao xuống biển bơi nhanh về hướng đầu dây mồi. Để tiếp sức cho đồng đội, máy trưởng Lê Tiến Cường lao theo với ýđịnh sẽcùng Tảo tìm kiếm đầu dây mồi. Khi Tảo và Cường bơi gần đến đầu dây mồi, một con sóng như quả núi đổ ập xuống, nhấn chìm Tảo và Cường xuống biển sâu trong đêm đen.

Ngay sau khi tàu HQ-666 bị nạn, chiến sĩ báo vụ 1 của nhà giàn 1B đã điện trực tiếp báo cáo Sở chỉ huy đất liền. Lệnh từ Quân chủng Hải quân, tàu HQ-713 đang làm nhiệm vụ tuần tiễu trên biển nhanh chóng cơ động về nhà giàn Tư Chính 1B cứu nạn.

Sau hơn 2 ngày quần đảo tìm kiếm, xác anh Tảo vẫn bặt vô âm tín. Chiều tối ngày 25 tháng Chạp năm 1991, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-713 chuẩn bị neo đậu ăn cơm để tiếp tục cuộc tìm kiếm, bỗng chiến sĩ quan sát hô lên có một chớp sáng lóe lên từ phía trước, có thể đó là anh Tảo. Tàu HQ-713 tăng tốc, cách vật nổi chừng 30 mét. Thương ôi, anh Tảo dang 2 tay, mặt úp xuống đại dương, lập lờ trong sóng. Chớp lóe từ mặt nước ấy, là ánh sáng của mặt đồng hồ Senkô 5, hắt ra nhờ ánh hoàng hôn cuối chiều. Mọi người vớt anh lên đưa vào khoang số 1, nắn bóp chân tay thẳng lại. “Anh Tảo ơi, anh nằm đây mà hồn anh ở đâu”. Cán bộ chiến sĩ tàu HQ-713 không ai cầm được nước mắt. Chỉ cách đó gần 3 tháng, Tảo đã ở con tàu thân thương này, anh là người chỉ huy rắn rỏi cương nghị. Còn hôm nay, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-713 đón anh về là linh hồn người liệt sĩ.

Nhà giàn thế hệ đầu tiên thiết kế dạng pông-tông đóng trên bãi cạn Phúc Tần, (ảnh tư liệu)

“Có cái chết hóa thành bất tử”

Cựu binh trung tá Bùi Xuân Bổng, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần kể lại: Chiều 4.12.1990, cơn lốc bất ngờ ập tới. Lúc đó trên nhà giàn có 9 cán bộ, chiến sĩ. Trước sức tàn phá của lốc tố, anh em đã bình tĩnh lấy những miếng gỗ bung lên từ mặt sàn công tác, kết lại thành chiếc bè và rời nhà giàn. Lúc 3h sáng ngày 5.12.1990, một con sóng như quả núi ập tới đánh sập hoàn toàn nhà giàn Phúc Tần, cuốn theo 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển đêm. Phó trạm trưởng chính trị, trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi. Y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó.

Tám năm sau, cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes đã nhấn chìm nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Trong trận bão lịch sử này, 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Đó là đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và thiếu úy Nguyễn Văn An. Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng trước lúc ngã vào lòng biển. Trong khi đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30, chưa có người yêu, để lại cho gia đình bao tiếc thương, đồng đội bao cảm phục, thì liệt sĩ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ tận Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Liệt sĩ Lê Đức Hồng chưa một lần mặc áo chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới…

Sóng nhà giàn

Sóng nhà giàn nơi tôi ở đó

Có đồng đội và nước mặn biển khơi

Tổ quốc thiêng liêng tận phía chân trời

Những người lính đêm ngày chắc súng

Biền biệt xa nhà, lòng không nao núng

Tổ quốc bên mình, Tổ quốc trong tim

Dẫu ngày mai mình có thể

nhấn chìm

Bởi bão tố đại dương vô cùng

hung dữ

Nhưng nhà giàn mãi trường tồn

bất tử

Bởi đó là cột mốc chủ quyền

Cột mốc thiêng liêng tận phía đường biên

Giữa đại dương mang hồn thiêng dân tộc

Ai đã một lần ra nhà giàn DK1

Thăm những người lính biển chân trần

Đầu đội trời chân đạp sóng trước bình minh

Nước ngọt từng ca, rau xanh chia từng bữa

Lính nhà giàn trong tim luôn

có “lửa”

Lửa trái tim vì Tổ quốc quên mình

Vì biển, đảo sẵn sàng hy sinh

Còn gì đẹp hơn xả thân vì Tổ quốc

Kiêu hãnh nào hơn dâng tuổi xuân cho đất nước

Xin một lần được sống giữa biển xanh

                                           TRẦN MẠNH TUẤN

Theo TRẦN MẠNH TUẤN/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm