Cập nhật: 30/07/2019 15:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tự nhận mình là một Bộ trưởng “Đoàn kết”, tân Thủ tướng Johnson quyết tâm đoàn kết một nước Anh, đang bị chia rẽ sâu sắc do tiến trình Brexit bế tắc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã từ chối lời mời viếng thăm của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức để thực hiện chuyến công du đầu tiên tới các thành viên của Liên hiệp Vương quốc Anh, bắt đầu từ ngày 29/7.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng bên ngoài ngôi nhà số 10 phố Downing. Ảnh: CNN

Scotland là điểm đến đầu tiên của tân Thủ tướng Anh trong chuyến công du tới các thành viên của Liên hiệp Vương quốc Anh. Đây cũng là thành viên có quan điểm quyết liệt và động lực rõ rệt nhất trong những vấn đề liên quan tới Brexit.

Mở màn chuyến thăm, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, ông chờ đợi một động thái từ phía châu Âu nhằm mở lại các cuộc đàm phán về Brexit. Một phát biểu được xem là nhằm gửi thông điệp tới cả Liên minh châu Âu và những ý kiến còn hoài nghi ở Anh về chiến lược Brexit. Theo ông, hiện có một cơ hội rất tốt để nước Anh và Liên minh châu Âu có thể đạt được một thỏa thuận và đây là điều mà Chính phủ của ông đang nhắm tới.

“Hiện có một cơ hội rất tốt để các bên có thể đạt được một thỏa thuận mới và đây cũng là mục tiêu của chúng tôi. Tuy nhiên,  bất kỳ chính phủ nào cũng phải chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận một khi chúng ta không chắc chắn và đó cũng là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới các đối tác châu Âu”, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Sau Scotland, ông Boris Johnson sẽ tiếp tục tới xứ Wales và Bắc Ireland. Mục đích là nhằm đạt được sự ủng hộ đối với Brexit và chứng minh mọi cảnh báo về sự tan rã của Liên hiệp Vương quốc Anh đều là sai lầm.

Theo Văn phòng Thủ tướng Boris Johnson, Liên hiệp Vương quốc Anh là một “thương hiệu toàn cầu” và cùng với nhau  nước Anh sẽ ngày càng an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn. Nhìn thấy ở Brexit một “cơ hội kinh tế khổng lồ”, ông Johnson đã thông báo những khoản đầu tư mới lên tới 332 triệu euro dành cho Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, đồng thời đảm bảo sẽ tăng cường đàm phán về các hiệp định thương mại hậu Brexit, thiết lập các cảng miễn thuế để kích thích nền kinh tế, trao nhiều quyền hơn cho các cộng đồng địa phương và tăng cường các cơ sở hạ tầng viễn thông và giao thông.

Tuy nhiên, trọng trách của tân Thủ tướng Anh không hề dễ dàng. Scotland từng bỏ phiếu phản đối việc Anh rời Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 và đang cần một “lựa chọn thay thế” cho chiến lược Brexit của ông Boris Johnson. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, đồng thời là lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) cảnh báo, cơ quan lập pháp vùng này trong những tháng tới có thể bỏ phiếu thông qua việc rời Liên hiệp Vương quốc Anh.

“Chúng tôi đã thảo luận về nền độc lập của Scotland và một lần nữa đã nói với Thủ tướng rằng, cơ quan lập pháp Scotland sẽ tiếp tục xem xét dự luật khung cho phép một cuộc trưng cầu ý dân. Điều này là vì người dân Scotland, chứ không phải là vì tôi hay vì Thủ tướng. Người Scotland có quyền quyết định tương lai của họ”, bà Sturgeon nói.

Nhiều nghị sĩ quốc hội Anh cũng phản đối một Brexit không thỏa thuận và có thể tìm cách lật đổ chính phủ của ông Boris Johnson nhằm ngăn chặn kịch bản này. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar mới đây cảnh báo, một Brexit không thỏa thuận sẽ có thể dẫn tới một Ireland thống nhất vì ngày càng nhiều người dân Bắc Ireland sẽ “đặt câu hỏi về liên minh” với vương quốc Anh.

Các thành viên Liên minh châu Âu khác thì cho rằng, những yêu cầu của nhà lãnh đạo Anh về việc đàm phán lại thỏa thuận dưới thời Thủ tướng Theresa May là không thể chấp nhận. Trước sự bế tắc này, bà Carolyn Fairbain, người đứng đầu một tổ chức giới chủ có ảnh hưởng tại Anh ngày 29/7 đã hối thúc các doanh nghiệp nước này tăng cường sự chuẩn bị nhằm đối phó với “tình huống nghiêm trọng” Brexit không thỏa thuận./.

Theo Thu Hoài/VOV.VN

Tệp đính kèm