Giới quan sát cho rằng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên giống như chiến thuật “ném đá dò đường” trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Quân đội Hàn Quốc hôm 10/8 cho biết, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía đông nước này sáng cùng ngày. Đây là vụ phóng thử tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng kể từ ngày 25/7 đến nay, trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành tập trận chung.
Giới quan sát cho rằng, dù không hủy hoại cơ hội nối lại đàm phán Mỹ-Triều nhưng động thái của Triều Tiên đã tạo ra nhiều thách thức đối với tiến trình ngoại giao.
Chủ tịch Kim Jong Un chứng kiến vụ phóng tên lửa ngày 6/8. Ảnh: KCNA.
Các vụ thử tên lửa và việc công bố một tàu ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thời dường như đi ngược lại với cử chỉ thiện chí trong cuộc gặp giữa của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên tại biên giới liên Triều tháng 6/2019. Nó cũng làm dấy lên hoài nghi liệu Bình Nhưỡng có thực sự mong muốn đàm phán phi hạt nhân hay không? Và liệu các vụ phóng có phải là một phần của chiến thuật đàm phán hay không?
“Nguồn cơn” khiến Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa
Theo các chuyên gia, có hàng loạt vụ việc được cho là “nguồn cơn” dẫn đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, khiến ông Kim Jong Un cảm thấy đã đến lúc phải gửi thông điệp cho Mỹ và Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng không thể bị gây sức ép thêm nữa.
Trước hết phải kể đến là các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 5/8 vừa qua, tiếp đến là việc Seoul tăng cường xây dựng kho vũ khí của nước này, trong đó hợp đồng mua báy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ.
Cần phải lưu ý rằng, trong khi ông Trump muốn đảm bảo giành chiến thắng trong chính sách đối ngoại trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 thì ông Kim cũng phải đối mặt với áp lực trong nước khi có nhiều ý kiến hoài nghi về quyết định theo đuổi chính sách ngoại giao hạt nhân của ông năm 2018. Sau khi ra về từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội mà không có được bất cứ sự nhượng bộ nào từ Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như cảm thấy bất mãn. Vì thế, Thông qua các vụ phóng tên lửa mới nhất này, ông Kim Jong Un muốn “lấy lại danh dự”, muốn Triều Tiên được đối xử ngang hàng với các quốc gia khác trên thế giới và quan trọng hơn khẳng định sức mạnh an ninh chống lại mọi hành vi gây hấn.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay để tăng thêm lợi thế cho mình. Leif-Eric Easley, chuyên gia tại Đại học Ewha, Hàn Quốc nhấn mạnh: “Triều Tiên có lẽ đang tìm cách khai thác mối bận tâm của ông Trump thúc ép Hàn Quốc tăng cường chi trả nhiều hơn cho việc các binh sỹ Mỹ đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như quan hệ xấu đi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc chiến thương mại leo thang. Seoul đã đe dọa chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo trong một nỗ lực được cho là gây sức ép buộc Washington phải đứng ra làm trung gian hòa giải”.
“Ông Kim cố gắng tạo ra khoảng cách giữa Washington và Seoul, phóng tên lửa phản đối để khiến Tổng thống Trump phải quan tâm nhiều hơn đến các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, nhằm chứng minh những hoạt động quân sự như vậy chỉ khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên thêm xấu đi,”, Leif-Eric Easley cho biết.
“Bóp nghẹt” đàm phán hay chỉ là chiến thuật ngoại giao?
Ông Mintaro Oba cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Triều Tiên gia tăng căng thẳng theo một cách đã được tính toán và nằm trong giới hạn nhất định. Triều Tiên sử dụng các vụ thử tên lửa như một cách gây áp lực với Mỹ và Hàn Quốc, thậm chí gia tăng tần suất và phạm vi, nhưng Bình Nhưỡng sẽ tránh leo thang đến mức có thể hủy hoại tiến trình ngoại giao”.
Theo quan điểm của chuyên gia Shawn Ho, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nên được xem là tín hiệu chứ không phải là hành vi khiêu khích. Bởi 5 vụ thử của Triều Tiên mới chỉ dừng lại ở tên lửa tầm ngắn chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), vì vậy không vi phạm thỏa thuận với Mỹ. Đó là lý do Mỹ phản ứng khá mềm mỏng trước động thái của Triều Tiên.
Ông cho rằng, đây là một phần trong chiến thuật đàm phán và Triều Tiên chỉ đang cố gắng củng cố vị thế trước khi nối lại đàm phán với Mỹ. Sớm hay muộn, Triều Tiên sẽ tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân ở cấp độ chuyên viên, như nhà lãnh đạo Kimm Jong Un đã hứa trong cuộc gặp Tổng thống Trump tại khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 6.
Cùng chung quan điểm này, Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson đánh giá, động thái mới nhất của Triều Tiên nhằm đưa Washington quay trở lại bàn đàm phán, nhưng với thông điệp rõ ràng là Bình Nhưỡng sẽ không theo đuổi một tiến trình đàm phán không đi sâu vào thực chất.
Đến thời điểm hiện tại nhà lãnh đạo Kim Jong Un luôn tránh những hành động làm tổn hại quan hệ cá nhân giữa ông với Tổng thống Trump, song ông cũng gián tiếp cảnh báo khả năng khấy đảo căng thẳng nếu phía Mỹ không có động tĩnh gì. Bình Nhưỡng đã đặt ra thời hạn chót là cuối năm 2019 để Mỹ thay đổi yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân hóa, điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể chấp nhận đề xuất về một "thỏa thuận lớn", giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân, tên lửa và các chương trình vũ khí khác để đổi lấy bất cứ ưu đãi nào, như việc xóa bỏ trừng phạt.
Phản ứng của Mỹ nói lên điều gì?
Vụ thử tên lửa lần thứ 5 của Triều Tiên trên diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump cho hay vừa nhận được một lá thư "tốt đẹp" dài 3 trang từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thay vì lên án mạnh mẽ, Mỹ gần như đã bỏ qua tất cả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên kể từ ngày 25/7. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 6/8 cho biết, Triều Tiên chỉ phóng tên lửa tầm ngắn và nước Mỹ sẽ không phản ứng thái quá nhằm tiếp tục duy trì đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng. Còn Tổng thống Trump nói rằng, các tên lửa mà Triều Tiên đã phóng đi là những tên lửa tầm ngắn và rất “tiêu chuẩn”, không ảnh hưởng tới thiện chí của ông tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng.
Quan điểm của ông Trump là Triều Tiên vẫn có khả năng sẽ giải giáp chương trình hạt nhân chừng nào ông và Kim Jong Un vẫn thân thiện với nhau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại quan điểm này dường như không phù hợp so với tình hình giữa hai bên hiện nay. Bởi việc ông Trump xem nhẹ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ cho phép Bình Nhưỡng có cơ hội tăng cường hoạt động thử nghiệm vũ khí, miễn là không vượt qua “ranh giới đỏ”, trong khi tạo đòn bẩy trước các cuộc đàm phán - có thể được nối lại sau khi cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc vào cuối tháng 8.
Một số quan chức Mỹ đã tỏ ra thất vọng vì chính sách của chính quyền đối với Triều Tiên. Phát biểu với báo chí khi tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du Châu Á, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, việc Triều Tiên không thiện chí đàm phán theo khung thời gian họ đã vạch ra không phải là phản ứng tích cực và mang tính xây dựng. Quan chức này cũng chỉ trích các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, nói rằng bất cứ hành động khiêu khích nào đều không được hoan nghênh, hối thúc Triều Tiên chấm dứt các hành động đó để tham gia tiến trình ngoại giao.
Còn Thượng nghị sĩ Edward Markey tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ muốn chính quyền Tổng thống Trump phải cứng rắn hơn: "Thay vì phớt lờ các vụ phóng, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo phải mạnh mẽ và kiên quyết yêu cầu Triều Tiên dừng tất cả những hành động khiêu khích này".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính quyền Trump có lý khi không hành động quá mức, bởi sẽ tốt hơn khi tạo cơ hội cho tiến trình ngoại giao. David Kim, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Trung Tâm Stimson, Washington giải thích, Mỹ không cần phải nghiêm trọng hóa vấn đề và một phản ứng phù hợp sẽ không hủy hoại tiến trình ngoại giao: “Mong muốn của Tổng thống Trump trong việc duy trì kênh ngoại giao lớn hơn việc ông sẵn sàng đối đầu với nguy hiểm do sự tiến bộ về công nghệ vũ khí của Triều Tiên gây ra”, ông David Kim nhận định.
Song để đàm phán diễn ra, Triều Tiên cũng cần đáp lại thiện chí của Tổng thống Trump, đó là tránh gây leo thang căng thẳng bằng các vụ phóng tên lửa tầm xa hơn hay một vụ thử hạt nhân. Bởi bất cứ một tính toán sai lầm nào cũng sẽ dẫn đến sự đáp trả bằng “lửa và giận dữ”, giống như những gì đã diễn ra vào năm 2017.
Theo Hồng Anh/VOV.VN